Thua lỗ quý thứ 4 liên tiếp, Thép Pomina (POM) chậm trễ tổ chức ĐHĐCĐ

Tình trạng thua lỗ của Thép Pomina (POM) kéo dài sang cả quý 1 năm 2023, đánh dấu quý thứ 4 thua lỗ liên tiếp của công ty này.

Thép Pomina (POM) kinh doanh dưới giá vốn, thua lỗ liên tiếp 4 quý

Công ty Cổ phần Thép Pomina, tiền thân là nhà máy tháp Pomina 1 được thành lập từ năm 1999, sau chuyển thành Công ty TNHH Thép Pomina với vốn điều lệ ban đầu chỉ 42 tỷ đồng.

Trong năm 2022, trước tình trạng kinh tế khó khăn, giá đầu vào nguyên liệu gia tăng, Thép Pomina phải kinh doanh dưới giá vốn khiến đơn vị này ghi nhận lỗ gộp ngay từ hoạt động kinh doanh. Tính riêng trong năm 2022, khoản lỗ mà Pomina ghi nhận đã lên tới 1.079,9 tỷ đồng.

 Thép Pomina (POM) kinh doanh thua lỗ Quý thứ 4 liên tiếp (Ảnh TL)

Thép Pomina (POM) kinh doanh thua lỗ Quý thứ 4 liên tiếp (Ảnh TL)

Bước sang quý 1 năm 2023, Thép Pomina tiếp tục ghi nhận tình trạng thua lỗ nhưng số lỗ đã giảm đi tương đối so với quý 4 năm 2022 ngay trước đó.

Cụ thể thì trong quý 1, doanh thu của POM đạt 1.645,1 tỷ đồng, giảm tới 62,2% so với cùng kỳ. Dù rằng thị trường nguyên liệu đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tình trạng kinh doanh dưới giá vốn vẫn diễn ra khiến lợi nhuận gộp của POM ghi nhận lỗ 41,3 tỷ đồng.

Trong khi đó công ty vẫn phải tiếp tục trả chi phí lãi vay lên tới 76,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng sụt giảm từ 20,7 xuống chỉ còn 2,2 tỷ đồng nhưng chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng hơn gấp đôi, từ 34,7 tỷ lên 71 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn, các chi phí đồng loạt gia tăng đã khiến cho POM lỗ sau thuế tới 186,8 tỷ đồng, đánh dấu quý kinh doanh thua lỗ thứ 4 liên tiếp của công ty. Kết quả này cũng khiến cho mục tiêu "thoát lỗ" mà POM đặt ra từ đầu năm 2023 trở nên tương đối xa vời.

Từng đạt đỉnh 19.200 đồng/cổ phiếu, thị giá tới nay giảm còn 1/3, người nhà lãnh đạo liên tục bán cổ phiếu

Từng đạt mức giá đỉnh 19.200 đồng/cổ phiếu vào ngày 10/5/2021, cổ phiếu POM đã liên tiếp ghi nhận sụt giảm, có lúc ghi nhận chạm đáy ở mức 3.840 đồng/cổ phiếu vào ngày 7/11/2022. Đây cũng là thời điểm mà Thép Pomina phải dừng hoạt động lò cao do thua lỗ.

Tuy nhiên ngay sau đó, mã cổ phiếu này lại có sự hồi phục trở lại và được giao dịch quanh vùng giá 5.000 đồng/cổ phiếu trong nhiều tháng tiếp theo.

Đến tháng 3 năm 2023, liên tiếp những giao dịch thoái vốn của người nhà ban lãnh đạo POM được thông báo khiến cổ đông xôn xao.

Cụ thể thì từ ngày 2/2/2023 đến ngày 3/3/2023, chị gái của ông Đỗ Tiến Sĩ, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina đã đăng ký bán ra 4,59 triệu cổ phiếu POM. Tuy nhiên, do giá không đạt như kỳ vọng nên bà Nguyệt sau đó vẫn nắm giữ lượng cổ phiếu tương đương 1,64% vốn điều lệ này.

Từ ngày 21/2/2023 đến ngày 8/3/2023, một người chị khác của ông Đỗ Tiến Sĩ là bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương đã đăng ký bán ra 2,49 triệu cổ phiếu POM. Tuy nhiên bà Hương chỉ bán được 15% trong lượng đăng ký, tương đương 379.800 đồng/cổ phiếu.

Giao dịch không hoàn toàn thành công, bà Hương tiếp tục đăng ký bán cổ phiếu POM một lần nữa với lượng đăng ký 2,1 triệu cổ phiếu từ ngày 14/3/2023 đến ngày 12/4/2023.

POM chậm tổ chức đại hội cổ đông, cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo

Vừa qua, Thép Pomina đã lên tiếng giải trình về tình trạng chậm trễ trong công tác tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Phía công ty cho biết đang chờ nhà đầu tư chiến lược thống nhất những thỏa thuận phát hành cổ phiếu riêng lẻ để thông qua trong đại hội sắp tới.

Việc trì hoãn tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2023 cũng đã khiến cho cổ phiếu POM bị đưa vào diện cảnh báo.

Cũng trong báo cáo trình ĐHĐCĐ, Pomina đặt mục tiêu doanh thu thuần dự kiến ở mức 14.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 300 tỷ đồng. Đây có thể coi là một mục tiêu tương đối tham vọng khi mà trong cùng kỳ, POM đang thua lỗ tới 1.079,9 tỷ đồng và ngay trong quý 1 đầu năm 2023 cũng đã thua lỗ tới 186,8 tỷ đồng.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thua-lo-quy-thu-4-lien-tiep-thep-pomina-pom-cham-tre-to-chuc-dhdcd-post255844.html