Thừa Thiên - Huế: Bế tắc xử lý rác

Bãi chôn lấp quá tải, tồn hàng ngàn tấn rác, nhà máy xử lý rác đắp chiếu nhiều năm..., Thừa Thiên - Huế đang thiếu chỗ xử lý rác nghiêm trọng

Con đường từ Tỉnh lộ 7 vào Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cạnh bên là bãi xử lý rác của Công ty CP Môi trường và Đô thị Huế (HEPCO) ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thưa thớt nhà dân, có rừng cây che phủ nhưng mùi hôi từ rác vẫn xộc lên nồng nặc. Nhiều năm qua, người dân ở khu vực này bức xúc với thực trạng rác thải quá tải.

Rác chất cao như núi

Gọi là nhà máy nhưng ở đây vắng lặng bởi đã ngưng hoạt động hơn 2 năm nay. Nhìn từ xa đã thấy rác thải nằm trong khuôn viên nhà máy chất cao ngang đọt cây tràm trồng ở xung quanh. Lượng rác quá lớn, ước tính hàng ngàn tấn nên cảm giác bức tường rào xây ở mặt trước nhà máy như sắp đổ. Còn ở hướng đối diện với hồ thủy lợi Năm Lăng, cảnh tượng rác chất cao như núi càng kinh hoàng hơn. Ở hướng này không thấy tường rào xây chắn nên rác được đổ tràn, bên trên nhiều chỗ cỏ đã mọc xanh. Lại gần nhà máy, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Nhà máy Xử lý rác thải Thủy Phương hoạt động từ năm 2005 và được quảng bá là một trong những mô hình tiên phong về công nghệ xử lý rác. Theo đó, mỗi ngày nhà máy này tiếp nhận khoảng 200 tấn rác từ TP Huế, sau đó được tinh tuyển, tận thu các nguyên liệu để làm thành gạch xây dựng hoặc phân bón vi sinh, nhựa tái chế...

Đến năm 2006, dự án được mở rộng từ 1,7 ha lên 4,2 ha, nâng công suất xử lý từ 80 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày nhằm giải quyết vấn đề rác thải của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sau một thời gian hoạt động, nhà máy này rơi vào tình trạng quá tải, lượng rác dồn ứ.

Vào tháng 8-2018, sau chuyến đi kiểm tra, khảo sát, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tạm ngừng tiếp nhận rác và xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng rác tại nhà máy. Công ty phải có biện pháp che chắn nhà xưởng, các điểm tập kết rác tạm thời tại nhà máy để hạn chế phát tán mùi hôi, bảo đảm môi trường cho người dân sinh sống xung quanh nhà máy.

Tiếp đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng giao UBND TP Huế khẩn trương làm việc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa xác định khối lượng rác thực tế tồn đọng tại nhà máy để xử lý, yêu cầu xác định thời điểm hoàn thành và có giải pháp bảo đảm môi trường trong quá trình chờ xử lý. Trường hợp công ty này không phối hợp thực hiện, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm môi trường, chấm dứt hợp đồng xử lý rác và xử lý trách nhiệm liên quan theo quy định. Thế nhưng đến nay, tình trạng quá tải, ô nhiễm vẫn không được cải thiện.

Rác ứ đọng chất cao như núi ở Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương

Rác ứ đọng chất cao như núi ở Nhà máy Xử lý rác Thủy Phương

Bãi rác cũng quá tải

Cách đó vài trăm mét, chếch về hướng Tây Nam, bãi chôn lấp rác do HEPCO quản lý cũng đang ở tình trạng "no" rác. Ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng Giám đốc HEPCO, cho biết bãi chôn lấp này hoạt động từ năm 1999 đến nay với công nghệ "chôn lấp rác hợp vệ sinh".

Bãi chôn lấp này có diện tích thiết kế 10 ha, gồm khu xử lý nước rỉ rác với diện tích 1,5 ha; lò đốt chất thải nguy hại với công suất 350 kg/giờ, các công trình phụ trợ và 2 bãi chôn lấp rác với diện tích 4,8 ha. Theo ông Khánh, mỗi bãi gồm 10 ô được thiết kế dựa theo quy tắc "thung lũng tự nhiên". Các ô đều được thiết kế đáy bằng đất sét hoặc bằng nhựa HDPE chống thấm. Rác được đưa đến, khi đạt cao trình thì đầm chặt, đắp đất lại.

Trong đó, bãi chôn lấp số 1 với diện tích 2,2 ha vận hành từ năm 1999 đến 2008 đã lấp đầy và được đóng bãi chôn lấp theo quy định. Bãi chôn lấp số 2 với diện tích 2,6 ha vận hành từ năm 2008 đến hết năm 2018. Bãi chôn lấp rác số 2 mở rộng có dung tích 350.000 m3 và chỉ kéo dài đến hết năm 2020.

Ông Khánh cho biết mỗi ngày bãi rác này tiếp nhận đưa vào xử lý khoảng 450 tấn rác từ các địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện khu vực chôn lấp, xử lý rác cũng sắp đầy nên đang làm thủ tục khởi công xây dựng mở rộng với diện tích 2 ha.

Theo ông Khánh, với diện tích mở rộng này dự kiến sẽ tiếp nhận, xử lý rác trong vòng 2 năm và đóng cửa khi nhà máy đốt rác phát điện Phú Sơn ở xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) có công suất 600 tấn/ngày, do Công ty China Everbright International Limited làm nhà đầu tư, đưa vào sử dụng.

Nhà máy này có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỉ đồng, rác biến thành nhiệt để phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia sau khi được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Chính phủ. Dự án được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định phê duyệt việc chọn chủ đầu tư từ năm 2018. Lúc đầu, dự kiến dự án sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được khởi công.

Sau 4 năm thi công vẫn chưa nhận rác

Dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt khu vực TP Huế và vùng phụ cận (nằm ở xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) được phê duyệt từ năm 2016 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2019. Dự án do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư với số vốn 46 tỉ đồng và Công ty CP Xây dựng và Chuyển giao công nghệ môi trường thuộc Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thi công. Tuy nhiên, sau 4 năm thi công thì đến nay dự án vẫn chưa thể đưa vào hoạt động.

Bài và ảnh: Quang Nhật

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/moi-truong/thua-thien-hue-be-tac-xu-ly-rac-2021041120555192.htm