Thừa Thiên - Huế: Đạt kết quả tích cực trong chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải
Thông tin tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về điều chỉnh Cam kết Quốc gia Tự quyết định (NDC) từ thực hiện các sáng kiến phục hồi xanh Thừa Thiên - Huế cho biết đã đạt được những kết quả tích cực trong chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về điều chỉnh Cam kết Quốc gia Tự quyết định (NDC) từ thực hiện các sáng kiến phục hồi xanh, do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức ngày 21/5/2024. Sự kiện quy tụ sự tham gia của các cán bộ Nhà nước (tham gia dự án), các chuyên gia quốc tế UNDP đến từ Benin, Albania, Ecuador, Việt Nam và Jordan, cùng các đại biểu Việt Nam.
Mục tiêu chính của Hội thảo là chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia thí điểm về việc điều chỉnh NDC dựa trên kết quả thực hiện các sáng kiến phục hồi xanh. Ngoài ra, xác định các thực hành tốt nhất và thách thức để cập nhật NDC dựa trên các nỗ lực phục hồi kinh tế bền vững. Hội thảo cũng sẽ xác định các cơ hội áp dụng những bài học kinh nghiệm vào quá trình xây dựng chương trình và hoạch định chính sách trong tương lai, đặc biệt là trong quá trình điều chỉnh NDC 2025. Đồng thời hướng tới thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ xây dựng mạng lưới để trao đổi kiến thức liên tục và học hỏi lẫn nhau.
Tại sự kiện ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với sự hợp tác, hỗ trợ của UNDP, Thừa Thiên - Huế đã đạt được những kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về điều chỉnh Cam kết Quốc gia Tự quyết định thể hiện một bước quan trọng hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững thông qua phục hồi xanh, điều chỉnh NDC và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Không chỉ giới thiệu những tiềm năng, cơ hội hợp tác tại Hội thảo, Thừa Thiên - Huế mong muốn được được trao đổi, học tập từ các mô hình, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển xanh về các lĩnh vực giao thông; nông nghiệp và môi trường; điện và năng lượng từ các đối tác trong nước và quốc tế; đặc biệt là các chuyên gia, quốc gia về các sáng kiến phát triển đô thị xanh, phục hồi xanh…
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Thừa Thiên - Huế cho biết về một số dự án tiêu biểu của Huế trong hiện thực hóa tầm nhìn về một thành phố xanh như: Thí điểm “Hỗ trợ cung cấp vốn cho vay ưu đãi cá nhân mua sắm phương tiện xe điện” cho người dân tại Tỉnh; triển khai 6 xe tải điện điểm thí điểm thu gom rác thải tại TP. Huế (được tài trợ bởi UNDP); nghiên cứu thử nghiệm chính sách về giao vận xanh đối với nhân viên giao hàng giao hàng bằng xe máy tại TP. Huế; lắp đặt 4 hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời cho các trạm sạc xe điện.
Các đại biểu được trực tiếp tham quan đến nhiều địa điểm triển khai chương trình tại TP. Huế, như Công ty Lữ Hành Quốc tế TNHH Motorcycle Việt Nam (nơi có dàn xe điện do UNDP hỗ trợ), Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế để tìm hiểu về trạm sạc pin năng lượng mặt trời và xe điện chở rác (dự án do Chính phủ Nhật Bản và UNDP tài trợ). Các điểm thực địa gồm Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trạm xe đạp chia sẻ để thúc đẩy các phương án giao thông thân thiện với môi trường…
Với tinh thần tích cực theo đuổi các nỗ lực phục hồi xanh và kinh tế xanh cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, theo định hướng của SDG và Thỏa thuận Paris tại sự kiện ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Cam kết chính trị vững chắc từ các chính phủ và sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân có vai trò rất quan trọng để đạt được một nền kinh tế xanh và có khả năng chống chịu, từ đó tận dụng NDC để đảm bảo các nguồn lực quốc gia và quốc tế nhằm củng cố và thực hiện các nỗ lực này.”
Theo UNDP, đối phó với những thách thức kép về phục hồi sau đại dịch COVID-19 và giải quyết biến đổi khí hậu, việc điều chỉnh NDC dựa trên các chiến lược phục hồi xanh đã trở thành một lộ trình mang tính sống còn để phát triển bền vững. Hỗ trợ mục tiêu này, UNDP đã khởi xướng một dự án hỗ trợ thí điểm cho 5 quốc gia gồm: Benin, Albania, Ecuador, Việt Nam và Jordan.
Sáng kiến tập trung vào việc tận dụng quá trình thực hiện và củng cố NDC để thúc đẩy quá trình phục hồi hiệu quả, công bằng và bền vững, qua đó nêu bật vai trò quan trọng của Thỏa thuận Paris và các công cụ của Thỏa thuận này, như NDC, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP) và các Chiến lược dài hạn (LTS). Các quốc gia thí điểm đã thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm điều chỉnh chính sách, chiến lược tài chính, nâng cao năng lực và chia sẻ kiến thức để lồng ghép NDC vào các nỗ lực phục hồi xanh của mình.