Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Thừa Thiên Huế là địa phương có số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác Trung Quốc tương đối lớn, với hơn 20 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là hàng dệt may, tôm đông lạnh, dăm gỗ… Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) và một số cửa khẩu biên giới tạm đóng, ngành Công Thương Thừa Thiên Huế thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu ở Trung Quốc.
Theo Sở Công thương Thừa Thiên Huế, hiện nay tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 36,02 triệu USD/952 triệu USD kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, với các mặt hàng cụ thể như tôm thẻ nguyên con hấp đông lạnh đạt 0,98 triệu USD, hạt dẻ cười đạt 1,8 triệu USD; các mặt hàng xơ, sợi, dệt, áo quần may sẵn các loại đạt 21 triệu USD, dăm gỗ keo đạt 12,3 triệu USD,…
Bên cạnh đó, các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2019 đạt 35,8 triệu USD với các mặt hàng như nguyên liệu xơ sợi, dệt may… đạt 30,68 triệu USD, máy móc, linh kiện, các sản phẩm khác như: bu lông, đai ốc, keo sika, ống mềm cao áp… đạt 5,12 triệu USD.
Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nCoV. Ông Phan Hùng Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - cho biết, mặc dù chưa có sự đánh giá đầy đủ tác động của dịch bệnh nCoV đối với hoạt động xuất khẩu, nhưng trước mắt có thể nói xuất khẩu các sản phẩm sang Trung Quốc đang gặp khó khăn trong giai đoạn này. Bởi vì dịch bệnh nCoV diễn ra trùng vào thời điểm nghỉ tết của người Trung Quốc, nên đối tác có kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ, làm ảnh hưởng đến việc giao dịch mua bán hàng hóa của 2 bên. Ngoài ra, việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng dệt may cũng bị ảnh hưởng do một số cửa khẩu bị tạm dừng hoạt động.
Hiện ngành Công Thương Thừa Thiên Huế cũng đã đề ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài về hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh, tránh phụ thuộc vào một thị trường và hướng đến xuất khẩu bền vững.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế - ông Phan Hùng Sơn - cho biết, Sở tiếp tục phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là đã ký kết nhằm đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhằm tiến đến xuất khẩu bền vững. Đồng thời, thông tin cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, hội nghị, diễn đàn, giao dịch thương mại... tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, thị trường Việt Nam ký kết và khai thác các thị trường mới; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ. Triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phòng chống dịch bệnh nCoV, đặc biệt là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Đến nay, vẫn chưa có thông tin tình trạng các đối tác Trung Quốc từ chối đơn hàng của công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, ông Sơn chia sẻ.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên, hiện có 27 chuyên gia, lao động Trung Quốc đang làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong dịp tết vừa qua có 19 người trở về quê ăn tết và đến nay có 7 lao động trở lại làm việc. Qua kiểm tra sức khỏe 7 lao động đều ổn định và không có trường hợp nghi dịch bệnh nCoV. Hiện Ban quản lý đang tiếp tục kiểm soát tình hình lao động nước ngoài làm việc tại khu kinh tế, công nghiệp, đặc biệt là lao động đến từ Trung Quốc, Hồng Kông.