Thừa Thiên Huế nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Theo lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế, trước thực trạng già hóa dân số, việc thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi, cần có sự liên kết và đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể địa phương, nhất là các đối tượng người cao tuổi yếu thế.

Già hóa dân số

Đến tháng 8/2024, số người cao tuổi của tỉnh Thừa Thiên Huế là 193.035 người, chiếm 15,9% dân số. Ngoại trừ huyện A Lưới (9,3%), 8/9 huyện, thị xã, thành phố cùng với tỉnh đang ở giai đoạn già hóa dân số.

Theo Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế,mặc dù rất nỗ lực, cố gắng nhưng phải nhìn nhận công tác chăm sóc người cao tuổi vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân.

ThS. BSCKII Phan Đăng Tâm giám sát, hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh Nguyễn Hà.

ThS. BSCKII Phan Đăng Tâm giám sát, hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Ảnh Nguyễn Hà.

Việc người cao tuổi phải sống một mình rất bất lợi. Trong khi họ thường mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, thoái hóa khớp, K, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời.

Không những vậy, bệnh lý ở người cao tuổi có tính chất mạn tính, khó hồi phục và có nhiều bệnh thực thể kèm theo khó có khả năng tự chăm sóc, phải lệ thuộc vào người nhà hoặc nhân viên y tế. Người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, do đó chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi.

Nguồn kinh phí cho công tác chăm sóc người cao tuổi còn hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai và mở rộng các hoạt động chăm sóc sức khỏe ở các cấp, các đơn vị chuyên ngành.

Thời gian qua, Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư, cá nhân, tổ chức tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Mạng lưới y tế, dân số, cán bộ, thành viên các ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở tham gia thực hiện các hoạt động của chương trình theo chức năng, nhiệm vụ.

Người cao tuổi được truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/1 lần, chiếm tỷ lệ 86,7% người cao tuổi toàn tỉnh.

ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các cơ quan liên quan cần cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe và hệ thống an sinh xã hội, chính sách lao động. Rà soát và điều chỉnh các chính sách liên quan để đảm bảo quy mô dân số hợp lý.

Việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân. Tiếp tục củng cố Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp ở địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể các thành viên, trong đó có nhiệm vụ công tác về hoạt động người cao tuổi.

"Trong thực hiện các chính sách xã hội đối với người cao tuổi, cần có sự liên kết và đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể địa phương, nhất các đối tượng người cao tuổi yếu thế", ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm chia sẻ.

Thích ứng với già hóa dân số

ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm cho biết, nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10), năm nay Chi cục Dân số tập trung truyền thông về nội dung thích ứng với già hóa dân số và đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trong đó, tuyên truyền, vận động về cơ hội, thách thức và thích ứng với già hóa dân số, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của ban ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng của toàn xã hội.

Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các hoạt động truyền thông và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh Nguyễn Hà.

Chi cục Dân số tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai các hoạt động truyền thông và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh Nguyễn Hà.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ, tham gia chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số.

Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Các nội dung rèn luyện thân thể, phòng các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, giúp người cao tuổi tự phòng bệnh, tự chăm sóc nâng cao sức khỏe;người cao tuổi chủ động và tích cực tham gia khám sức khỏe định kỳ.

Hiện nay, Chi cục Dân số tỉnh triển khai hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại 24 xã theo quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ thuộc các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Triển khai nội dung 2 "Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi" thuộc Dự án 7 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số.

Lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh cho biết, trước tình hình già hóa dân số, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh đến năm 2030.

Mục tiêu nhằm chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, các cơ quan, đơn vị liên quan tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình đều có các giải pháp để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Hoàng Dũng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/thua-thien-hue-nang-cao-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-17224093014250152.htm