Thừa Thiên - Huế: Phát triển chuỗi giá trị thủy sản vùng nước lợ Tam Giang - Cầu Hai
Sáng ngày 18/12, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo 'Phát triển chỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hóa cho các sản phẩm hải sản vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai'.
Tam Giang - Cầu Hai là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất vùng Đông Nam Á, có diện tích mặt nước gần 22.000 ha (chưa kể 1.600 ha đầm Lập An - Lăng Cô).
Năm 2020, sản lượng khai thác của hệ đầm phá này ước đạt 9.800 tấn (gồm 6.500 tấn nuôi và 3.300 tấn khai thác tự nhiên).
Điều đáng chú ý là trong số thủy hải sản nước lợ được khai thác có đến 85% sản lượng được thương lái thu mua cung cấp cho các nhà hàng, chủ yếu ở Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM.
Nhằm phát triển chuỗi giá trị nhất là các loài cá đặc hữu, thơm ngon nức tiếng như loài cá: Dìa, Nâu, Ong bầu, Vẫu, Mú, Hồng, Đối, Bống thệ… bên cạnh giữ gìn môi trường bền vững cần đầu tư cho khâu sản xuất giống cá bản địa, tránh tình trạng phụ thuộc vào đàn cá bố, mẹ từ tự nhiên như hiện nay.
Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên - Huế, hiện nay địa phương này đã chọn tôm thẻ chân trắng và tôm sú là 2/16 sản phẩm chủ lực của Thừa Thiên - Huế và đang hướng tới xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường cho các loài thủy đặc sản như: cua bùn, cá Kình, cá Vẫu, cá Dìa, cá Tráp…; đồng thời quảng bá giúp người tiêu dùng hiểu được giá trị thơm ngon của thủy đặc sản nước lợ vùng Tam Giang - Cầu Hai.