Thừa Thiên Huế: Sẵn sàng cho cầu truyền hình 'Bài ca kết đoàn'

Thừa Thiên Huế là một trong 4 địa phương trên cả nước vinh dự thực hiện cầu truyền hình 'Bài ca kết đoàn', chương trình được diễn ra tối ngày 1/9/2019 tại sân trước cổng trường Quốc Học Huế. Đây là hoạt động Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm ngày mất của Người.

Sân trước cổng trường Quốc Học Huế nơi sẽ diễn ra cầu truyền hình "Bài ca kết đoàn" tại Thừa Thiên Huế

Sân trước cổng trường Quốc Học Huế nơi sẽ diễn ra cầu truyền hình "Bài ca kết đoàn" tại Thừa Thiên Huế

Ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế, “Bài ca kết đoàn” còn được trực tiếp tại ba điểm cầu Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh) và Khu di tích Kim Liên (Nghệ An).

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, “Bài ca kết đoàn” chương trình nhằm tuyên truyền cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới; khơi dậy, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, động viên cán bộ và nhân dân tích cực thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; quảng bá hình ảnh quê hương, con người, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh… “Do đó, yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, bám sát công việc được phân công theo kế hoạch đã ban hành, chủ động phối hợp đảm bảo an toàn tuyệt đối các hoạt động để sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Theo Ban tổ chức, chương trình cầu truyền hình “Bài ca kết đoàn” gồm 4 chương: “Đoàn kết để thống nhất đất nước”, “Đoàn kết để phát triển đất nước”, “Trong sạch để giữ khối đại đoàn kết” và “Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc”.

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, sự kiện diễn ra sân trước cổng trường Quốc Học Huế. Theo dự kiến kiến có hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, chiến sĩ, học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình. Nội dung bao gồm: Chương trình nghệ thuật chào mừng, lễ dâng hoa tại tượng đài trường Quốc Học Huế, giới thiệu phóng sự “Cội nguồn của đoàn kết - phát triển tư tưởng đoàn kết dân tộc trong quãng thời gian Người ở Huế”, giới thiệu về trường Quốc Học Huế nơi Nguyễn Tất Thành tham gia học tập những năm 1907-1908, các công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế. Ngoài ra, chương trình còn có các tiết mục biểu diễn “Dấu chân phía trước”, hợp xướng do đoàn nghệ sĩ, diễn viên Huế thực hiện, liên khúc “Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại”…

Bên cạnh đó, để đảm bảo việc cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho cầu truyền hình, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) cũng đã lên phương án cấp điện cho sự kiện quan trọng này.

Theo đó, PC Thừa Thiên Huế nâng công suất trạm biến áp Quốc Học hiện tại từ 320kVA lên 400kVA. Giữ nguyên tủ hạ thế 400 và hệ thống ATM bảo vệ hiện trạng. Lắp đặt 150 mét cáp vặn xoắn 2x(ABC-4x150-0,6/1kV) từ TBA Quốc Học đến tủ điện TĐ1. Cáp được bố trí phía bên trong dọc tường Trường Quốc Học, tủ điện TĐ1 gá trên 2 cọc thép L63x63x6 bên phải cổng chính của Trường Quốc Học.

Ngoài ra, đề phòng trường hợp sự cố đột xuất, PC Thừa Thiên Huế cũng đã bố trí dự phòng máy phát nguồn di động công suất 550kVA đặt tại điểm cầu Quốc Học.

Nguyễn Tuấn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-san-sang-cho-cau-truyen-hinh-bai-ca-ket-doan-124543.html