Thừa Thiên – Huế sẵn sàng đón du khách quốc tế trở lại
Ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đang chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, cũng như đội ngũ hướng dẫn viên để đón du khách quốc tế khi Việt Nam thực hiện mở cửa hoàn toàn trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới vào giữa tháng 3.
Từ đầu năm 2022 đến nay, lượng khách du lịch nội địa đến Thừa Thiên – Huế có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường khách du lịch quốc tế vẫn được trông chờ nhất, bởi du khách nước ngoài có mức chi tiêu cao tại các điểm đến. Khách sạn Saigon Morin là một trong những khách sạn lâu đời và nổi tiếng nằm ở trung tâm thành phố Huế. Để sẵn sàng đón cơ hội du khách quốc tế quay trở lại, khách sạn này đã nên kế hoạch chi tiết cho công tác lễ tân, đưa ra những ưu đãi và nâng cao chất lượng dịch vụ.
“Thời gian qua, chúng tôi quan tâm đào tạo lại đội ngũ nhân sự về ngoại ngữ và kỹ năng nghiệp vụ để khi thị trường khách quốc tế phục hồi sẽ đáp ứng chất lượng dịch vụ tốt nhất. Đồng thời đầu tư nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất; phối hợp chặt chẽ với các hãng lữ hành để tiếp cận với nguồn khách quốc tế khi Việt Nam mở cửa đón khách trở lại. Hiện nay, khách sạn đang có chính sách khuyến mãi, chăm sóc khách hàng như giảm giá từ 30-50% cho khách nội địa và quốc tế đến lưu trú, tổ chức đưa đón du khách từ sân bay về khách sạn…”, Tổng Giám đốc Khách sạn Saigon Morin Trần Văn Lâm cho biết.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng đang lên kế hoạch tăng tần suất biểu diễn các loại hình nghệ thuật để góp phần làm sinh động các điểm tham quan di tích, tạo trải nghiệm mới mẻ đối với du khách. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Nguyễn Phước Hải Trung, đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I để sớm tổ chức triển lãm Châu bản triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng nhằm giới thiệu đến người dân và du khách về công việc trị nước của tiền nhân; đồng thời sẽ ra mắt phiên bản bộ kim bảo triều Nguyễn, những chiếc ấn của vua bằng chất liệu gốm mạ vàng theo tỷ lệ như ấn thật đang lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức Triển lãm Truyện Kiều bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn đã bị đánh cắp vào năm 1885 và đang lưu trữ ở Thư viện Hoàng gia Anh Quốc.
Hiện nay, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đang đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xem xét giảm giá vé tham quan di tích tại Quần thể di tích Cố đô Huế như một biện pháp để kích cầu du lịch. Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phúc, năm 2022, Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức theo hướng bốn mùa lễ hội, với gần 50 sự kiện văn hóa được tổ chức liên tục, kéo dài trong năm, sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến với Cố đô Huế trong thời gian tới. Bên cạnh thế mạnh về du lịch di sản, những năm gần đây, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực xây dựng thương hiệu là một điểm đến an toàn, “Huế - Kinh đô áo dài,” “Huế - Kinh đô ẩm thực”, qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, đặc sắc.
Ngoài ra, dự kiến vào quý IV năm 2022, Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 thuộc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác với công suất 5 triệu hành khách/năm, bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm. Đây là tiền đề quan trọng để Thừa Thiên – Huế kiến nghị mở thêm nhiều đường bay thẳng quốc tế, qua đó góp phần tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến với địa phương.