Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

phát triển Thừa Thiên Huế tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương có đặc thù về di sản, bề dày lịch sử văn hóa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về 'Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Mục tiêu là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Huế trở thành đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, xứng tầm là trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước.

Đồng thời, phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; ngành công nghiệp sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế, chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Trong đó, dự kiến phân loại giai đoạn 2021 – 2025, thành phố Huế mở rộng là đô thị loại I; đô thị Phong Điền (huyện Phong Điền dự kiến thành lập thị xã) là đô thị loại IV; các đô thị mới: Lộc Thủy, Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Vinh Hiền, Vinh Hưng, (thuộc huyện Phú Lộc); Thanh Hà, huyện Quảng Điền; Phú Mỹ, (thuộc huyện Phú Vang) đạt loại V. Dự kiến phân loại giai đoạn 2026 – 2030 các đô thị mới: Hồng Vân, Lâm Đớt, (thuộc huyện A Lưới) đạt loại V.

Trong đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đô thị mới bao gồm thành phố Huế hiện hữu cùng một phần thuộc các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348km². Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam với trục cảnh quan “xương sống” là sông Hương, kéo dài từ phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. Với cách điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới - Kinh thành Huế ở bờ Bắc sông Hương, đô thị ở bờ Nam sông Hương sẽ được bảo tồn.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực cùng các bộ ngành, triển khai hàng loạt công việc, trong đó có hai nội dung quan trọng là Đề án mở rộng thành phố Huế từ 70km2 lên 270km2. Đề án này được Chính phủ thông qua và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét. Đề án cơ chế chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê duyệt, có 3 nhóm vấn đề. Một là, tiêu chí phân loại đô thị Thừa Thiên Huế; Hai là, đơn vị hành chính đặc thù Thừa Thiên Huế; Ba là, định mức chi cho văn hóa của Thừa Thiên Huế tương lai. Theo ông Phan Ngọc Thọ, Quốc hội đang trong quá trình thẩm tra, xem xét phê duyệt Đề án cơ chế chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế.

Với quan điểm thành phố Huế tương lai sẽ là thành phố trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích đủ rộng để phát triển một cách toàn diện. Lấy trục cảnh quan sông Hương làm chính và mở rộng ở phía Nam, ở phía Bắc và tập trung theo trục sông Hương. Thành phố Huế tương lai sẽ bao gồm các hệ thống di sản, di tích để thuận lợi cho quản lý, vừa đảm bảo miền biển, đồng bằng cũng như vùng trung du để phát triển một cách toàn diện nền kinh tế”, ông Phan Ngọc Thọ cho hay.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỳ vọng trong tương lai Thừa Thiên Huế phải là trung tâm, nơi hội tụ tiềm năng thế mạnh của khu vực miền Trung.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nằm ở vị trí trung tâm của đất nước, trên trục Bắc - Nam của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển, nằm trên tuyến hành lang Đông - Tây, gần các trung tâm kinh tế lớn đang phát triển nhanh như Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thành phố Đà Nẵng, Khu kinh tế mở Chu Lai… Từ Huế có thể tiếp cận dễ dàng với các tỉnh, thành phố trên toàn quốc và các nước trên thế giới trực tiếp bằng đường hàng không, đường biển, đường bộ và đường sắt. Bên cạnh đó, thành phố Huế có điều kiện thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, phong phú và diện mạo riêng tạo nên một không gian hấp dẫn: có núi Ngự Bình, có Sông Hương trong xanh uốn khúc, có những rừng thông quanh năm xanh tốt rì rào; Huế và vùng phụ cận liền kề biển đông thuận tiện cho du lịch, nghỉ dưỡng và thể thao biển...

Không những thế, Huế còn là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật của miền Trung. Thành phố Huế là Kinh đô của Việt Nam trong gần 2 thế kỷ và hiện nay là nơi tập trung và đang lưu giữ khá nguyên vẹn nhiều tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống cung đình và dân gian nổi trội, đặc sắc tiêu biểu cho văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cái Văn Long

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thua-thien-hue-se-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-post128854.html