Thừa Thiên Huế tái thiết hạ tầng du lịch

Sau đợt bão lũ gây thiệt hại nặng nề ở miền Trung, các địa phương gấp rút chuẩn bị tái thiết cơ sở hạ tầng thúc đẩy nhịp độ kinh tế du lịch trong tháng cuối năm 2020. Du khách đến Huế thích thú tái ngộ con đường đi bộ bằng gỗ lim bên bờ sông Hương sau những ngày bị ngâm trong nước lũ vẫn còn nguyên vẹn, báo hiệu đời sống văn hóa du lịch của Huế cũng như Bắc Trung bộ sẽ sớm trở lại.

Công trình đường đi bộ bên bờ sông Hương. Ảnh: Thụy Văn

Công trình đường đi bộ bên bờ sông Hương. Ảnh: Thụy Văn

Điều vui mừng là đường đi bộ bên bờ sông Hương được xây dựng như một cây cầu bên bờ Nam sông Hương, ngang dưới chân cầu Trường Tiền vẫn còn nguyên vẹn, vững chãi và không có dấu hiệu bị biến dạng, xuống cấp và hư hỏng. Trước đó, tháng 10 và nửa đầu tháng 11 năm nay, không chỉ bị ngâm trong nước lũ, con đường bị rác cuốn lẫn bùn đất phủ lên dẫn đến ngưng trệ hoạt động nhiều ngày.

Trong số rất nhiều công trình kiến trúc, cơ sở vật chất, di tích lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế trải qua biến động thời tiết dữ dội chưa thể xác định được mức độ hư hại, con đường này tái hoạt động gần như ngay lập tức khiến khả năng hoạt động du lịch phục hồi nhanh chóng trong tháng 12 năm 2020 là hoàn toàn khả thi. Mặt đường lát gỗ lim hiện đã được dọn dẹp sạch sẽ và trở lại nhịp sống bình thường, tiếp tục tô điểm cho sông Hương và mang du khách trở lại Huế như địa phương này kỳ vọng sự kết nối từ ý nghĩa của cây cầu.

Cần nói thêm rằng, đường đi bộ bên sông Hương đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 có kết cấu bê tông cốt thép, dạng cầu bám bờ Nam sông Hương, mặt đường lát gỗ lim dày 5cm là loại gỗ chịu nước và độ bền cao. Toàn bộ lượng gỗ lim nhập khẩu từ Nam Phi, với kinh phí do Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam. Con đường là quà tặng của Chính phủ Hàn Quốc, biểu tượng cho quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị, tôn vinh văn hóa của 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc. Có thể do ý nghĩa to lớn của công trình nên quá trình thi công đã được giám sát chặt chẽ, chất lượng đạt chuẩn công trình văn hóa, kiến thiết du lịch quốc tế, độ bền vững thách thức với biến động về thiên tai.

Mùa bão lũ miền Trung năm nay khiến công trình trải qua thách thức lớn nhất từ khi ra đời. Địa phương cũng thở phào nhẹ nhõm vì độ bền và tính thẩm mỹ của công trình cũng như khả năng ứng phó với thiên tai đã được nhận định từ khi xây dựng. Đây cũng là tiêu chuẩn hàng đầu của những công trình được sử dụng làm hạ tầng du lịch trong bối cảnh sự khắc nghiệt về thời tiết có thể gia tăng theo tiến trình biến đổi khí hậu mỗi năm. Công trình được tính toán thích ứng với thời tiết, nếu nước lũ dâng cao hơn bề mặt thì mặt sàn gỗ sẽ chìm dưới nước, quá trình ngâm nước đó không ảnh hưởng đến độ bền của công trình.

Từ thử thách bền vững đối với con đường này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có thêm quyết tâm thực hiện đầu tư dự án xây kè chống sạt lở và chỉnh trang làm đẹp bờ sông Hương, đoạn từ cầu Kim Long đến chùa Thiên Mụ với tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Đây là đoạn sông Hương trong lòng thành phố, chảy qua nhiều di tích lịch sử thường được du khách tham quan. Kè bờ sông dài 2,7km, trong đó, đoạn từ Km0 đến Km0+202,7m sẽ xây kè mái nghiêng. Đỉnh kè thay đổi theo mặt đất tự nhiên kết hợp với chỉnh trang không gian ven sông. Mái kè từ chân đến cao trình gia cố bằng đá chẻ lát khan dày 20cm trong hệ thống khung giằng bê tông cốt thép. Công trình kè sông Hương được tính toán để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, bão lũ và chịu sự tác động của dòng chảy sông 2 bên bờ. Đây là công trình quan trọng trong thành phố, ảnh hưởng trực tiếp tới các công trình khác ven sông và đời sống du lịch, đời sống dân cư ở đây, đòi hỏi độ thích ứng cao.

Đoạn kè từ km0 đến km2 có chiều dài gần 1,9km được kết cấu dạng tường đứng bê tông trọng lực. Chiều cao thân kè 1,5m có kết cấu bê tông và được gia cố móng bằng hệ thống cọc tre, đỉnh kè trồng cổ, thân kè kết cấu cọc ván bê tông đóng chen khít và chỉnh trang phù hợp với cảnh quan, môi trường. Đặc biệt, công trình bảo đảm độ bền vững, chống chọi với khí hậu thời tiết có thể biến đổi gia tăng sự thất thường trong những năm tới.

Tuyến đường đi bộ và xe đạp có điểm đầu nối vào đường đi bộ chùa Thiên Mụ và điểm cuối nối vào cầu Kim Long tạo nên một vòng tròn kết nối 2 bờ sông Hương và nối các điểm tham quan trong Cố đô Huế. Huế trở thành một đô thị kiểu mẫu du lịch, ngày càng sạch, văn minh đô thị được củng cố, cảnh quan hiện đại pha lẫn với nét cổ kính trầm mặc vốn có.

Độ bền của các công trình hạ tầng du lịch có tính chất quyết định đến quy mô quy hoạch cảnh quan thành phố và khả năng lấy lại nhịp độ du lịch của mỗi địa phương. Đường đi bộ bên bờ sông Hương được coi là công trình đáp ứng được nhu cầu này.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thua-thien-hue-tai-thiet-ha-tang-du-lich-post435584.html