Thừa Thiên Huế: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

Nằm trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt khá trong cả nước (với 59% kế hoạch), Thừa Thiên Huế đang nỗ lực tăng tốc trong những tháng cuối năm để đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.

Dự án phục hồi và tôn tạo Khu lưu niệm Đồng chí Tố Hữu có mức đầu tư 25 tỷ đồng đã được KBNN Thừa Thiên Huế giải ngân đúng tiến độ và dự kiến đến đầu tháng 10 dự án được khánh thành. Ảnh: H.T

Các dự án trọng điểm có tỷ lệ giải ngân cao

Tính đến ngày 15/9 vừa qua, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 qua Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thừa Thiên Huế đạt 59% kế hoạch vốn giao đầu năm (2.231/3.812 tỷ đồng). Trong đó, nguồn cân đối ngân sách tỉnh đạt cao trên 74% kế hoạch vốn giao (541/730 tỷ đồng); nguồn ngân sách trung ương đạt 46% (365/798 tỷ đồng); nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương giao đầu năm giải ngân đạt 78% (357/458 tỷ đồng); nguồn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 62% (191/311 tỷ đồng).

Đáng chú ý, các dự án trọng điểm của tỉnh đều đạt tỷ lệ giải ngân cao như: Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc Hương Sơ có kế hoạch vốn được giao là 54 tỷ đồng, đã giải ngân được 53 tỷ đồng; dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế được giao kế hoạch vốn 28 tỷ đồng, đã giải ngân được 27 tỷ đồng; dự án Đường cứu nạn cứu hộ thị trấn Phong Điền có kế hoạch vốn 100 tỷ đồng, đã giải ngân được 72 tỷ đồng…

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc giải ngân vốn đầu tư công không thuộc trách nhiệm riêng của một cơ quan, đơn vị nào mà của tất cả các ngành, các cấp trên địa bàn. Do đó, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách địa phương. UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành cam kết, báo cáo số liệu giải ngân chi tiết của từng dự án, trong đó nêu rõ vướng mắc, giải pháp để thực hiện giải ngân vốn đầu tư dự kiến đạt 100% kế hoạch đã được giao. Hàng tuần, UBDN tỉnh đều tổ chức họp giao ban để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân nguồn vốn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng tại các huyện, thị xã và thành phố Huế, tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Tập trung giải quyết các khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, nguồn vốn chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/1/2021, không được chuyển nguồn sang năm 2021 theo quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019.

Trước quy định này, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020, góp phần vào việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc thực hiện chỉ đạo, điều hành của KBNN tỉnh. Đồng thời, chủ đầu tư phân công cán bộ theo dõi cụ thể các công trình đang triển khai xây dựng để thực hiện đúng cam kết về tiến độ, thời gian thi công. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu không thực hiện giải ngân đảm bảo yêu cầu.

Mặt khác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các ban quản lý dự án, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, giám sát đánh giá đầu tư theo quy định. Thực hiện chế tài xử lý nghiêm khắc nhà thầu cố tình vi phạm hợp đồng làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân. Kịp thời báo cáo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ. Kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, xử lý các dự án chậm tiến độ, tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra theo quy định trong lĩnh vực quản lý, thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức công vụ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý, giải ngân vốn đầu tư công.

Ban Chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các huyện, thị xã và thành phố Huế ưu tiên, tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm. UBND cấp huyện tập trung hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng.

Từ các chỉ đạo của UBND tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Đệ- Giám đốc KBNN Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã gửi văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, chứng từ gửi đến KBNN để giải ngân theo kế hoạch vốn đã được giao cũng như của năm trước được phép kéo dài sang năm nay.

Đồng thời, KBNN Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các đơn vị tăng cường áp dụng kê khai và gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đầu tư lên Cổng dịch vụ công trực tuyến KBNN mức độ 4 để nâng cao tính công khai, minh bạch và theo dõi được quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của KBNN.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-09-24/thua-thien-hue-tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nhung-thang-cuoi-nam-92660.aspx