Thừa Thiên-Huế: Tập trung cứu trợ, không để người dân đói, rét
Chiều 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng đóng gói, vận chuyển hàng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn ở những vùng ngập lụt của tỉnh; yêu cầu các địa phương phát huy tinh thần tương thân tương ái, kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do mưa lũ.
Cùng tham gia đóng gói những phần quà của UBND thành phố Huế hỗ trợ người dân các địa phương bị ngập lụt, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh gia cao chính quyền thành phố Huế đã huy động nguồn lực cũng như lực lượng phụ nữ, thanh niên, công an, dân quân tự vệ… để tổ chức đóng gói và vận chuyển hơn 3.000 suất quà, mỗi suất gồm bánh mỳ, xúc xích, sữa, nước uống đóng chai để kịp thời cung cấp cho người dân tại các khu vực bị ngập sâu, vùng rốn lũ của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng việc UBND thành phố Huế huy động nguồn lực để tặng quà cho người dân vùng lũ lụt trong thời điểm này là rất thiết thực, góp phần giúp người dân vùng lũ vượt quá được những khó khăn trước mắt về lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các hộ dân ở các địa phương bị ngập nặng như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang…
Ông Phan Ngọc Thọ lưu ý diễn biến mưa lũ còn phức tạp và lại tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới, do đó, các cấp, các ngành, người dân không được chủ quan, lơ là; ngoài phương châm “4 tại chỗ”, các cấp, các ngành cần lưu ý đến phương châm “tự quản tại chỗ”, không để sơ suất xảy ra gây những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản, cùng với đó, chuẩn bị dự trữ lương thực thực phẩm để phòng chống mưa lũ kéo dài, chia cắt.
Trong mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to, mực nước sông Hương, sông Bồ ở mức báo trên báo động 3 gây ngập lụt trên diện rộng trên địa bàn tỉnh. Tính đến 14h ngày 11/10, trên địa bàn tỉnh đã có 3 người chết, 1 người mất tích và 7 người bị thương; toàn tỉnh đã cho sơ tán, di dời 6.709 hộ với 19.552 nhân khẩu. Nhiều công trình thủy lợi bị lũ cuốn, hư hỏng nặng, chủ yếu ở huyện A Lưới, nhiều công trình thủy lợi bị bồi lấp đập đầu mối và hư hỏng đường ống…
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh huy động tối đa lực lượng, phương tiện xuống địa bàn để di dời nhân dân vùng trũng đến nơi an toàn.
Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, từ ngày 9/10 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã huy động trên 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và trên 9.880 lượt chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, cùng với trên 200 lượt phương tiện xe PTR 152, ca nô, xuồng, ô tô xuống địa phương để di dời trên chục ngàn người dân, cùng với tài sản ở các vùng ngập trũng đến nơi tránh trú an toàn, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp bước đầu một số thiệt hại.
Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai di dời dân; chỉ đạo Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố huy động lực lượng bộ đội thường trực, lực lượng dân quân tự vệ bám địa bàn để chằng chống nhà cửa, kê kích tài sản cho người dân, thành lập các tổ chốt chặn ở vùng nguy hiểm để ngăn chặn không cho người dân vào các khu vực mất an toàn.
Hiện các lực lượng của Bộ chỉ huy Quân sự và Bộ đội Biên phòng tỉnh đang tích cực tiếp nhận và hàng cứu trợ về các địa phương kịp thời cứu trợ nhân dân.
Trong khi đó, Công an tỉnh phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông. Công an tỉnh đã huy động 2.400 cán bộ, chiến sĩ, 22 lượt xe cứu hộ cứu nạn, 14 cano, 47 ghe máy, 30 lượt xuồng cứu sinh cứu hộ, di dời dân đến nơi an toàn.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết Ban Chỉ huy vừa xuất 8.500 thùng mỳ tôm từ nguồn dự trữ để cứu trợ kịp thời cho các hộ dân di dời phòng tránh mữa lũ. Sở Công Thương chỉ đạo 3 doanh nghiệp có ký hợp đồng dự trữ hàng phục vụ bão lụt, khẩn trương vận chuyển hàng đến các địa phương và giao UBND các huyện, thị xã phân bổ hàng cứu trợ đến cho người dân.
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết để đảm bảo an toàn cho du khách, Sở Du lịch đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch bảo đảm tốt về nhân lực, phương tiện và phương án cứu nạn, cứu hộ; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho cán bộ nhân viên trực và du khách lưu trú tại cơ sở của đơn vị để phòng tránh mưa lũ chia cắt, kéo dài nhiều ngày; khuyến cáo du khách không tự ý đến các điểm đang bị ngập lụt.
Do tình hình mưa lũ tiếp tục tiễn biến phức tạp trong những ngày tới, Sở GD&ĐT quyết định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào các ngày 12,13/10, đồng thời yêu cầu các bộ phận trực tại các trường, cơ quan, triển khai phương án phòng chống lũ lụt cao nhất, tiếp tục vận chuyển thiết bị tài sản sách vở, tài liệu lưu trữ và các thiết bị phục vụ dạy học lên vị trí các tầng cao để chống thiệt hại mưa lũ cuốn.