Thừa Thiên Huế tích cực áp dụng công nghệ số trong quản lý hải quan

Với phương châm hỗ trợ tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế đã, đang và sẽ tiếp tục các giải pháp số hóa hoạt động quản lý.

Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã triển khai cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Văn Tá.

Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã triển khai cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: Văn Tá.

Thủ tục hải quan cơ bản đã tự động hóa

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số theo lộ trình của ngành nên Cục Hải quan Thừa Thiên Huế đã triển khai áp dụng hiệu quả hải quan điện tử với các điểm nhấn: 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 3/3 chi cục hải quan trực thuộc thực hiện thủ tục hải quan điện tử với trên 99% doanh nghiệp tham gia.

Hiện nay, cơ quan hải quan trên địa bàn đang vận hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động VNACCS/VCIS và trên 20 hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ vệ tinh khác, phục vụ công tác quản lý hải quan trên các lĩnh vực thông quan, thu thuế xuất, nhập khẩu, giám sát hải quan, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan… Cùng với đó, Cục Hải quan tỉnh cũng đã triển khai áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hải quan như: Sử dụng máy soi hàng hóa, giám sát kho bãi trực tuyến qua hệ thống camera, sử dụng seal định vị điện tử giám sát hàng hóa đang vận chuyển…

Theo ông Đỗ Hoàng Dương - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế, việc ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số vào các nghiệp vụ đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, thực thi nhiệm vụ của cơ quan hải quan. Đồng thời, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan. Việc phát triển dữ liệu số trong lĩnh vực hải quan là nền tảng vững chắc cho việc triển khai hải quan số và hải quan thông minh trong tương lai.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN trong giải quyết thủ tục hải quan thời gian qua cũng đã giúp cơ quan hải quan xây dựng nền tảng dữ liệu số về thông tin doanh nghiệp, hàng hóa xuất, nhập khẩu, hồ sơ chứng từ xuất, nhập khẩu, kết quả giải quyết thủ tục được số hóa, lưu trữ trên hệ thống; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, nâng cao tính minh bạch, phục vụ hiệu quả công tác quản lý hải quan.

Vừa cải cách vừa hỗ trợ tuân thủ

Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tập trung phát triển dữ liệu số hải quan tạo nền tảng cho triển khai hải quan số, hải quan thông minh bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao, mở dữ liệu theo quy định của pháp luật để phát triển hệ sinh thái số và hải quan số. Đồng thời, ứng dụng công nghệ Big data, trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) để phân tích dữ liệu và dự báo xu hướng, từ đó tối ưu hóa quy trình quản lý và giám sát hải quan. Các hệ thống quản lý thông tin cũng sẽ được tích hợp và vận hành liên tục 24/7, đảm bảo an toàn và bảo mật dữ liệu.

Theo ông Đỗ Hoàng Dương, Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ bám sát định hướng này để triển khai tại đơn vị. Cùng với quá trình đó, Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chủ động triển khai nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng đến môi trường tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong cộng đồng doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn.

Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, như tư vấn thủ tục hải quan, hướng dẫn sử dụng các hệ thống khai báo điện tử và cung cấp thông tin kịp thời về các quy định mới; thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, thiết lập nhiều kênh thông tin qua cổng thông tin điện tử, địa chỉ email, zalo… để tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Tạo đột phá trong chuyển đổi số của ngành Hải quan

Ngành Hải quan đã và đang triển khai thực hiện tái thiết kế tổng thể quy trình nghiệp vụ hải quan và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện hải quan số. Trước mắt là xây dựng Hệ thống thay thế Hệ thống VNACCS/VCIS, tạo đột phá trong chuyển đổi số của ngành Hải quan. Đây được xem là cuộc “cách mạng” lần thứ hai về hiện đại hóa của ngành Hải quan.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thua-thien-hue-tich-cuc-ap-dung-cong-nghe-so-trong-quan-ly-hai-quan-156578-156578.html