Thừa Thiên Huế tích cực bảo tồn, phát huy giá trị di sản từ trong trường học

Khi đã hiểu hơn về lịch sử, hiểu hơn về các di sản văn hóa của địa phương, các em học sinh cũng sẽ ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa. Đó cũng là điều mà tỉnh Thừa Thiên Huế hướng đến khi thời gian qua đã có những hoạt động tích cực trong việc đưa chương trình giáo dục di sản vào trường học.

Để di sản không còn xa lạ

Huế hiện là cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể các kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền đài,... Di sản văn hóa Huế có thể nói là những kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động, trải qua nhiều thế hệ hun đúc tạo thành. Là thành quả trí tuệ của những tài năng xuất chúng, những người thợ thủ công khéo tay nhất nước thời bấy giờ.

Đại Nội Kinh Thành Huế. Ảnh: Lê Chung

Đại Nội Kinh Thành Huế. Ảnh: Lê Chung

Từng là thủ phủ của các chúa Nguyễn và là kinh đô của vương triều Nguyễn nên Huế cũng thừa hưởng được nhiều loại hình di sản văn hóa vô cùng phong phú và mang giá trị đặc biệt. Đến nay, Cố đô Huế đã có 5 di sản của triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Tuy nhiên, có một thực tế dù được xem là đang "sống giữa lòng di sản", nhiều bạn trẻ, nhất là các em học sinh hiện nay lại đang khá mơ hồ về những di sản văn hóa mà Huế có được. Nhắc tới những di sản của địa phương, nhiều người vẫn còn rất lạ lẫm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau để lý giải cho việc này, tuy nhiên phần lớn là do chưa có cơ hội để tìm hiểu, trải nghiệm hay nắm và hiểu rõ về những di sản này một cách bài bản.

Các em học sinh tham quan và trải nghiệm các trò chơi cung đình tại Khu di sản Hoàng cung Huế.

Các em học sinh tham quan và trải nghiệm các trò chơi cung đình tại Khu di sản Hoàng cung Huế.

Nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản, không quay lưng với lịch sử, tạo hứng thú để các em chủ động tìm hiểu, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của học sinh trước các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, mới đây Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở GDĐT Thừa Thiên Huế đã ký kết Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giáo dục Di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiều nội dung thiết thực. Đây được xem là bước khởi động ban đầu việc giáo dục di sản văn hóa cho người dân trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu.

Cụ thể, sẽ tập trung vào 4 nội dung chính như: Biên soạn các loại hình tài liệu giới thiệu về Di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh; Xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu Di sản văn hóa Huế; Xây dựng các chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản cho học sinh các cấp; Tổ chức các cuộc thi học sinh tìm hiểu Di sản văn hóa Huế.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đang phấn đấu để trở thành đô thị di sản – thành phố trực thuộc trung ương, vì vậy việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế là hết sức quan trọng. Bên cạnh có nhiều di sản thì còn phải là nơi đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị của di sản. Để làm được điều này, yếu tố tiên quyết cần có những con người yêu di sản, hiểu biết về di sản, có ý thức bảo vệ di sản, phát huy tốt các giá trị của di sản.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Theo ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc giáo dục di sản văn hóa cho học sinh các cấp học là một chủ đề vô cùng quan trọng, có tính đặc trưng của ngành giáo dục đào tạo địa phương và cũng là nền tảng, là động lực để Thừa Thiên Huế phát triển.

"Thông qua việc giáo dục văn hóa Huế sẽ hun đúc tình yêu quê hương, xứ sở của mỗi người dân xứ Huế, từ đó sẽ giúp mỗi người có những khát khao, quyết tâm để cống hiến cho Thừa Thiên Huế nhiều hơn", Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng.

Từ mô hình "đưa Ca Huế vào trường học"

Một trong nhiều hoạt động điển hình đáng ghi nhận của việc giáo dục di sản cho học sinh được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện khá tốt thời gian vừa qua chính là chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học được Sở VHTT và Sở GDĐT tỉnh phối hợp tổ chức.

Ca Huế là di sản mới đây nhất được Sở VHTT và Sở GDĐT tỉnh phối hợp tổ chức đưa vào trường học. Ảnh: Lê Chung

Ca Huế là di sản mới đây nhất được Sở VHTT và Sở GDĐT tỉnh phối hợp tổ chức đưa vào trường học. Ảnh: Lê Chung

Theo đó, chương trình với 2 nội dung: Tập huấn hát Ca Huế cho hơn 30 giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế và dạy hát Ca Huế cho học sinh theo hình thức CLB Ca Huế tại các Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trường THCS Thống Nhất và Trường THCS Trần Cao Vân. Đây không chỉ đơn thuần là dạy cho học sinh tập hát Ca Huế mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng bài.

Các giảng viên của Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và nghệ nhân Ca Huế sinh hoạt tại CLB Ca Huế thính phòng (Bảo tàng Văn hóa Huế) đã trực tiếp tham gia giảng dạy và giao lưu trình diễn di sản Ca Huế.

Qua khóa tập huấn, các giáo viên đã được giới thiệu về lý thuyết tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển Ca Huế, tập hát các làn điệu Ca Huế, giao lưu với các nghệ nhân, nghệ sĩ Ca Huế, biểu diễn Ca Huế giữa các giáo viên tham gia tập huấn.

Sau khi hoàn thành tập huấn, các thầy, cô giáo sẽ cùng các nghệ nhân truyền dạy và nuôi dưỡng tình yêu di sản Ca Huế cho các thế hệ học trò. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Ca Huế trong đời sống đương đại.

Giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế tham gia tập huấn Ca Huế.

Giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế tham gia tập huấn Ca Huế.

Điều này cũng có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở vững chắc xây dựng Bộ hồ sơ Nghệ thuật Ca Huế đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong tương lai.

Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho hay, việc đưa Ca Huế vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Đây chính là việc phù hợp nhất để đưa Ca Huế đến với thế hệ trẻ của vùng đất cố đô - cái nôi sinh ra ca Huế, để thế hệ trẻ hiểu biết về di sản này, từ đó nuôi dưỡng, phát triển lòng tự hào về các di sản truyền thống và tình yêu quê hương đất nước.

Đó cũng là sự chuẩn bị cho tương lai, để di sản này có sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ, từ đó đặt nền móng cho sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản vô giá này một cách hiệu quả và bền vững

"Để Ca Huế xứng đáng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và sau này là Di sản văn hóa thế giới, trước hết, Ca Huế phải thực sự trở thành di sản quý giá của cộng đồng nhân dân địa phương và phục vụ hữu hiệu, bền vững cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa xã hội của cố đô Huế", ông Hải nhấn mạnh.

Lê Chung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/thua-thien-hue-tich-cuc-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-tu-trong-truong-hoc-20200117010757171.htm