Thừa Thiên Huế tiếp tục mưa lớn, sẵn sàng phương án sơ tán người dân

Trước tình hình mưa lớn kéo dài, mức nước cao sông lên nhanh, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các địa phương phải sẵn phải tổ chức sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực sạt lở sông, cửa sông, ven phá, ven biển...

19h30' ngày 14/11, khu vực cầu Đập Đá nối đường Lê Lợi với đường Nguyễn Sinh Cung (thành phố Huế) nước sông đã dâng lên cao, tràn và chảy xiết qua đường

19h30' ngày 14/11, khu vực cầu Đập Đá nối đường Lê Lợi với đường Nguyễn Sinh Cung (thành phố Huế) nước sông đã dâng lên cao, tràn và chảy xiết qua đường

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, chiều và tối 14/11, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to.

Nước trên sông Hương, sông Bồ sẽ đạt báo động 2 đến báo động 3; nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng thấp, khu đô thị, sạt lở ven sông Bồ, sông Hương, nhất là tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế lập rào chắn ngăn các phương tiện di chuyển qua cầu Đập Đá, khi mức nước lên cao, nguy hiểm.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế lập rào chắn ngăn các phương tiện di chuyển qua cầu Đập Đá, khi mức nước lên cao, nguy hiểm.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa trong 6 giờ (từ 7 giờ - 13 giờ ngày 14/11) trên địa bàn tỉnh này có nơi rất cao như: Lưu vực thủy điện Thượng Nhật hơn 178mm, xã Thượng Lộ 181 mm và Hương Sơn 213mm (huyện Nam Đông). Dự báo, từ ngày 14 - 17/11 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa phổ biến 180-350mm, có nơi trên 500mm.

Hồ chứa thủy điện Hương Điền cũng điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết qua tràn và tuabin tăng dần, tránh đột biến, tùy theo diễn biến lưu lượng đến hồ để điều chỉnh lưu lượng vận hành cho phù hợp.

Mưa lớn khiến nước sông Hương dâng cao, cây cầu đi bộ lát gỗ lim ở thành phố Huế chìm trong biển nước

Mưa lớn khiến nước sông Hương dâng cao, cây cầu đi bộ lát gỗ lim ở thành phố Huế chìm trong biển nước

Tối 14/11, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Lộc cho biết, chiều và tối 14/11, trên địa bàn thị trấn Lăng Cô có gió và mưa to, một số nhà các hộ gia đình ven biển bị tốc mái, cây cối gãy đổ.

Trước tình hình trên lực lượng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với địa phương đang khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô giúp người dân khắc phục hậu quả do tốc mái, cây gẫy đổ

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô giúp người dân khắc phục hậu quả do tốc mái, cây gẫy đổ

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Lộc yêu cầu các chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan của xã Lộc Tiến, Lộc Bình, Lộc Trì, Lộc Điền khẩn trương tổ chức sơ tán 64 hộ dân thuộc khu vực nguy cơ cao sạt lở đất. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan, đơn vị và các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

Đến chiều tối 14/11, tại vị trí km 867 ở xã Lộc Trì nước đã tràn Quốc lộ 1A khoảng 5cm. Riêng tại thôn Thủy Cam, xã Lộc Thủy một số khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc chỉ đạo chính quyền địa phương di dời các hộ dân thấp trũng, ven sông, suối đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng cảnh giới hướng dẫn các phương tiện giao thông tại các các tuyến đường, ngầm, tràn khi xảy ra ngập lụt; nghiêm cấm người dân đi vào rừng, vớt củi trên sông khi có mưa lũ.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở huyện Nam Đông bị ngập

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở huyện Nam Đông bị ngập

Trên địa bàn huyện Nam Đông, mưa lớn gây ngập nhiều nơi nên học sinh toàn huyện được nghỉ học trong ngày 14/11. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông cho biết, dù các trường học không bị ngập nhưng nhiều tuyến đường dẫn đến các điểm trường trên địa bàn huyện đã ngập nhiều đoạn, nhất là các đập tràn nên rất nguy hiểm. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Một số vùng khác như huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà cũng có một số điểm trường phải nghỉ học do mưa lớn gây ngập đường. Cụ thể, Phong Điền có 4 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 2 trường trung học cơ sở nghỉ học.

Các trường tiểu học, trung học cơ sở và mầm non ở Hương Toàn và Hương Xuân thuộc thị xã Hương Trà cũng tạm nghỉ trong ngày 14/11. Ở Quảng Điền, một số trường ở Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phú…cũng nghỉ do đường ngập. Học sinh sẽ đi học trở lại khi thời tiết ổn định.

Trước diễn biến của tình hình mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức sơ tán người dân ở những khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực sạt lở bờ sông, ven biển, ven phá, chú ý sơ tán những đối tượng dễ bị tổn thương, phụ nữ mang thai, người già yếu.

Lãnh đạo địa phương chỉ đạo lực lượng cảnh giới, hướng dẫn phương tiện giao thông tại các ngầm, tràn khi xảy ra lũ lụt, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nghiêm cấm người dân vào rừng, đi vớt củi trên sông khi có mưa lũ. Chủ công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thua-thien-hue-tiep-tuc-mua-lon-san-sang-phuong-an-so-tan-nguoi-dan.htm