Thừa Thiên Huế triển khai hiệu quả Đề án 06 khi phối hợp với Bộ Công an

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh về phối hợp đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 giữa Bộ Công an và UBND tỉnh.

Trước đó, cuối tháng 4/2023, Bộ Công an và UBND tỉnh đã tổ chức ký kết Kế hoạch số 171/KHPH-BCA-UBND phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Thừa Thiên Huế” (viết tắt là Đề án 06).

Triển khai, hướng dẫn thủ tục kê khai thông tin phần mềm ASM tại các cơ sở y tế.

Triển khai, hướng dẫn thủ tục kê khai thông tin phần mềm ASM tại các cơ sở y tế.

Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị trong toàn quốc đi đầu phối hợp Bộ Công an và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH triển khai hiệu quả các mô hình Đề án 06. “Việc triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 là bước đi phù hợp, là “chìa khóa” đột phá, thúc đẩy các nhóm tiện ích Đề án 06 sớm đi vào cuộc sống, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phục vụ hiệu quả công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh khẳng định.

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án 06, ngay sau khi Bộ Công an và UBND tỉnh ký kết phối hợp, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương gương mẫu, đi đầu trong triển khai các mô hình theo phân công tại kế hoạch phối hợp. Công an tỉnh phát động các đợt thi đua đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06, thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, làm sạch dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”. Bên cạnh đó, Công an tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ, mô hình Đề án 06; tổ chức rà soát, chuẩn hóa, làm sạch và cập nhật các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và UBND, việc thực hiện các mô hình Đề án 06 đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Về mô hình đảm bảo điều kiện công dân số đã thu nhận 1.105.005 hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, được Bộ Công an biểu dương là một trong 19 tỉnh hoàn thành sớm chỉ tiêu thu nhận CCCD đối với 100% nhân khẩu đủ điều kiện cư trú trên địa bàn. Đã tạo lập 63.022 ví điện tử Hue-S và hơn 700 điểm chấp nhận thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị cung cấp dịch vụ chữ ký số đã tiếp nhận đăng ký và cấp phát 11.749 chữ ký số công cộng cho người dân. Về chuẩn hóa xác thực tập trung (SSO): hệ thống thông tin của tỉnh (hệ thống giải quyết thủ tục hành chính; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh) đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an qua nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia. Hiện, đã kết nối kỹ thuật hệ thống xác thực, đăng nhập ứng dụng Hue-S bằng cách xác thực tài khoản VNeID qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đến nay, đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết 306.979 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an; 73.940 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành khác…

Tính đến giữa tháng 12/2023, toàn tỉnh có 137/141 xã, phường, thị trấn triển khai phương thức chi trả điện tử cho đối tượng BHXH, chiếm tỷ lệ hơn 97%. Đến nay, số lượng dữ liệu đã xác thực, đồng bộ số CCCD giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu bảo hiểm trên địa bàn tỉnh là 1.057.198 trường hợp và đang tiếp tục thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh 184/187 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 232.097 lượt tra cứu, trong đó 195.250 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh, đạt tỷ lệ hơn 84%...

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các mô hình Đề án 06, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 153 thay thế cho Kế hoạch 171 đã ký kết trước đây giữa Bộ Công an và UBND tỉnh. Trong đó, sửa đổi từ 7 nhóm nhiệm vụ thành 5 nhóm nhiệm vụ với 46 mô hình. Qua đó, tỉnh tiếp tục triển khai và hoàn thành việc nhân rộng đối với hơn 20 mô hình đã triển khai hiệu quả như: đảm bảo điều kiện công dân số; tự động hóa Trung tâm hành chính công thông qua tương tác Kiosk; triển khai tại các điểm công chứng, chứng thực; triển khai nền tảng quản lý lưu trú (ASM) tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, cơ sở khám chữa bệnh...

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc triển khai các ứng dụng, tiện ích Đề án 06 với hơn 20 mô hình điểm theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và UBND tỉnh đã cho thấy tính đúng đắn, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg.

Tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phát huy vai trò cơ quan thường trực trong tham mưu UBND cùng cấp triển khai các nhiệm vụ, các mô hình Đề án 06. Chủ động nắm giải pháp, lộ trình thực hiện để tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan phối hợp triển khai các mô hình đạt hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp làm sạch dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; phối hợp các sở, ngành rà soát, chuẩn hóa, làm sạch và cập nhật các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhất là cập nhật dữ liệu cung cầu lao động, cập nhật dữ liệu người có công...

Để việc triển khai thực hiện Đề án 06 tiếp tục đạt hiệu quả cao, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và các địa phương cần đi vào thực tế và có sản phẩm cụ thể trong triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06. Cần kết nối với hệ thống của các cơ quan ở Trung ương, trên cơ sở chung thì cần có sự sáng tạo trong việc triển khai thực hiện tại địa phương. Có trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo thực hiện các mô hình, đồng bộ hóa trong khai thác dữ liệu. Các cơ quan, địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong triển khai thực hiện các mô hình Đề án 06 và cần lựa chọn các mô hình để triển khai, gắn với việc giải quyết các vấn đề mà dân quan tâm; đồng thời, cần nhân rộng cách làm hay, sáng tạo các mô hình Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã triển khai…

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-trien-khai-hieu-qua-de-an-06-khi-phoi-hop-voi-bo-cong-an-i717309/