Thừa Thiên – Huế: Yêu cầu đảm bảo an toàn sử dụng vận thăng trong quá trình thi công
ng Hoàng Tiến Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế vừa ký văn bản đề nghị các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, đơn vị thi công, quản lý, vận hành vận thăng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm về an toàn lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho lao động, trên các công trường xây dựng.
Theo đó, vận thăng được sử dụng trong thi công xây dựng thuộc danh mục máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động ban hành kèm theo Thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Theo đó, vận thăng chở hàng có người đi kèm và vận thăng chở hàng không có người đi kèm. Tất cả vận thăng trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng và kiểm định bất thường theo quy định tại QTKĐ 02/2016/BXD của Bộ Xây dựng. Thực hiện các kiến nghị của tổ chức kiểm định trong việc đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng; không được tiếp tục sử dụng vận thăng nếu kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc quá thời hạn kiểm định.
Chỉ sử dụng vận thăng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn đạt yêu cầu. Không sử dụng vận thăng đã bị hư hỏng các chi tiết, bộ phận quan trọng. Bố trí vận thăng làm việc theo đúng đặc tính kỹ thuật và tải trọng mà nhà chế tạo đã quy định (hoặc tải trọng do đơn vị quản lý sử dụng mới quy định lại sau khi cải tạo, sửa chữa…).
Tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng đã được phát hiện. Có nội quy, hướng dẫn sử dụng an toàn vận thăng; bảng hướng dẫn được lắp đặt gần vận thăng, nơi dễ nhìn thấy. Đảm bảo đủ ánh sáng và các yêu cầu an toàn khác cho chỗ nâng hạ, di chuyển tải. Phải có các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người, vật tư và công trình trong khu vực hoạt động của vận thăng: Có rào chắn ngăn cách an toàn, có các biển báo…
Phải bố trí đủ người để vận hành, tùy theo điều kiện làm việc cụ thể nhưng không ít hơn 2 người cho một vận thăng. Người vận hành phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe và được huấn luyện, cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn theo quy định; việc bố trí người vận hành vận thăng phải có quyết định bằng văn bản của người sử dụng lao động.
Không được chở người đối với loại vận thăng không có người đi kèm. Mỗi vận thăng phải có sổ theo dõi bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, thay thế các bộ phận nội dung hạng mục công việc theo quy định của nhà chế tạo. Mỗi vận thăng phải có sổ giao ca để ghi kết quả kiểm tra đầu ca và tình trạng thiết bị trong suốt quá trình làm việc. Phải khai báo với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vận thăng vào sử dụng.
Nhà thầu xây dựng phải tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Nghị định 39/2016/NĐ-CP và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện. Chủ đầu tư hoặc tư vấn giám sát phải phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 115 Luật Xây dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng công trình.
Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư thông báo kết quả kiểm tra thực hiện hướng dẫn này đối với việc sử dụng vận thăng trong công trình xây dựng về Sở Xây dựng trước ngày 31/01/2021.