Thua xa sức mạnh quân sự với Nga, Ukraine tăng cường 'chiến tranh thông minh'
Không thể sánh với sức mạnh quân sự của Nga, Ukraine đang đẩy mạnh 'chiến tranh thông minh', tấn công đường cung cấp dầu khí của đối phương.
Làn sóng tấn công từ bầu trời
Trong ba tuần qua, Ukraine đã phát động các cuộc tấn công từ xa nhằm tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga. Ngay khi bắt đầu năm mới 2024, thuốc nổ đã được bí mật gắn vào các toa tàu ở thành phố Nizhny Tagil, vùng Urals. Một vụ nổ xảy ra ngay gần các cơ sở thuộc sở hữu của Gazprom Neft, nhà sản xuất dầu lớn thứ ba Nga. Tiếp đó, một máy bay không người lái tự sát đã đâm vào một kho dầu ở vùng Oryol.
Vào ngày 18/1, một kho dầu khác ở St Petersburg bị tấn công. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022, máy bay không người lái Ukraine đã đến vùng Leningrad.
Nhiều vụ tấn công khác tiếp tục diễn ra. Một đám cháy quy mô lớn bùng phát tại kho chứa dầu ở thị trấn Klintsy, cách Belarus và Ukraine không xa, vào cùng ngày.
Ba ngày sau, hôm 21/1 máy bay không người lái tấn công cảng Ust-Luga bên biển Baltic, nằm trong vịnh Phần Lan, và một cảng dầu chính thuộc công ty Novatek. Nơi này cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga. Một quả cầu lửa màu cam sáng rực bầu trời, và mặt đất dường như rung chuyển.
Gần đây, bằng chứng về một làn sóng tấn công mới và kéo dài nhằm vào một phần quan trọng của nền kinh tế Nga là không thể bỏ qua. Hôm 24/1, một máy bay không người lái đã tấn công nhà máy lọc dầu Tuapse ở miền nam Nga, bên bờ Biển Đen. Gần đó, sân bay ở thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng Sochi đã buộc phải đóng cửa.
"Chiến tranh thông minh" khi sức mạnh bất đối xứng
Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công ít nhất 4 cơ sở dầu khí của Nga trên khắp đất nước. Các cuộc tấn công là một phần trong chiến dịch bất cân xứng ngày càng tăng của Kiev nhằm làm tê liệt ngành công nghiệp này và tước đi doanh thu của Moskva. Khoảng một nửa thu nhập xuất khẩu trị giá 420 tỷ USD của Nga năm ngoái đến từ dầu mỏ.
Illia Ponomarenko, cựu phóng viên quốc phòng của tờ Kyiv Independent, mô tả chiến lược này là “chiến tranh thông minh”. Những người khác gọi đây là “một trong những bước đi táo bạo nhất trong toàn bộ cuộc xung đột”. Chiến lược này thừa nhận rằng quân đội Nga mạnh hơn nhiều so với Ukraine và khoảng cách này khó có thể sớm thu hẹp.
Có thể nói, lĩnh vực duy nhất mà Ukraine có lợi thế là sản xuất máy bay không người lái. Cả hai bên đều sử dụng UAV một cách rộng rãi. Nhưng Kiev hiện nay dường như đã phát triển được các mẫu máy bay tấn công tinh vi về mặt kỹ thuật, có thể bay khoảng cách xa, tấn công các mục tiêu sâu trong hậu phương của Nga.
Nhiều công ty tư nhân Ukraine cũng tham gia chế tạo và thử nghiệm máy bay không người lái.
Vài ngày sau cuộc tấn công gần St Petersburg, chính quyền địa phương cảnh báo về những sự cố tiếp theo. Cơ quan báo chí vùng Leningrad thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Chế độ cảnh báo cao đã được ban bố tại các cơ sở hạ tầng quan trọng ở tất cả các quận”.
Các cuộc tấn công còn mang lại một lợi thế khác cho quân đội Ukraine. Chúng đã buộc Nga phải di chuyển một số khí tài phòng không ra khỏi tiền tuyến để bảo vệ các thành phố trong phạm vi hoạt động. Trong khi đó, các cuộc tấn công của UAV từ trên đầu ngày càng trở nên phổ biến, buộc người dân Nga phải chú ý đến một cuộc chiến mà nhiều người muốn bỏ qua.
Các UAV dùng để tấn công Nga gần như chắc chắn được sản xuất bên trong Ukraine. Điều này cho phép Kiev chủ động được, trong bối cảnh họ bị Mỹ và đồng minh áp đặt hạn chế tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây cung cấp.
Sergey Vakulenko, một chuyên gia dầu mỏ tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie có trụ sở tại Washington, cho biết UAV không thể phá hủy toàn bộ nhà máy lọc dầu của Nga vì những nơi đó sẵn sàng các thiết bị chữa cháy hiện đại. Nhưng ông tính toán rằng 18 nhà máy lọc dầu của Nga sản xuất tổng cộng 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày hiện nằm trong tầm bắn của máy bay không người lái.