Thuận Châu chủ động phòng chống hạn
Theo dự báo, những tháng đầu năm 2020, thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, mưa ít, nên nguy cơ hạn hán, thiếu nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt có khả năng diễn ra. Thuận Châu được xác định là địa phương nằm trong khu vực có nguy cơ thiếu nước cục bộ; các xã: Phổng Lăng, Phổng Lái, Muổi Nọi, Chiềng La, Tông Cọ, Chiềng Pha có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, huyện Thuận Châu đã có nhiều giải pháp phòng chống hạn hán, chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
Cánh đồng xã Phổng Lăng những ngày này, dù sắp bước vào gieo cấy vụ đông xuân nhưng phần lớn diện tích vẫn trong tình trạng khô hạn, chưa có nước để cày bừa làm đất, 27 ha đất sản xuất nông nghiệp của Phổng Lăng có nguy cơ bị hạn. Anh Lò Văn Xuân (bản Nà Thái) lo lắng: Nhà tôi có 800 m2 ruộng lúa, mọi năm đến thời điểm này đã cày ải, làm đất để chuẩn bị gieo cấy vụ chiêm xuân. Nhưng năm nay, trời không mưa, giờ vẫn chưa có nước để làm đất, chẳng biết có kịp gieo cấy đúng thời vụ không nữa?
Còn chị Lò Thị Diên, Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lăng chia sẻ với chúng tôi: Vụ đông xuân năm nay toàn xã gieo cấy khoảng 102 ha. Năm nay nắng nóng, ít mưa nên đồng ruộng các bản: Dửn, Thái Cóng, Nà Lo bị thiếu nước vì đồng ruộng các bản này lại cao hơn mặt suối. Để đảm bảo nước tưới, xã đã chỉ đạo bà con các bản đào mương dẫn nước từ bản Lăng Luông sang bản Thái Cong, Nà Pha; riêng bản Dửn vận động nhân dân lấy nước ở các ao, mó dẫn nước về đồng ruộng. Bên cạnh đó, chỉ đạo nhân dân sửa chữa phai đập ngăn nước, nạo vét mương nội đồng. Toàn xã có 5 phai đập ngăn nước vừa được sửa chữa; trong số 12 km mương nội đồng, đã kiên cố được 9 km, có thể bảo đảm cấp nước cho hơn 70% diện tích lúa đông xuân.
Xã Phổng Lái cũng là địa phương có tới hơn 108 ha đối mặt với nguy cơ hạn hán. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp chủ yếu lấy từ hồ Lái Bay, hồ này lại đang trong thời kỳ sửa chữa. Anh Sùng A Mang, Phó Chủ tịch UBND xã nói đã làm việc với Ban quản lý hồ Lái Bay về việc chủ động tích nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp; đối với các bản xa nguồn nước, xã chỉ đạo bà con chuyển sang trồng những loại cây phù hợp; chỉ đạo HTX chanh leo Thuận Châu kiểm tra các đường ống dẫn nước đảm bảo không bị thất thoát. Đối với nước sinh hoạt, hiện giờ cơ bản đảm bảo, nhưng nếu nắng hạn kéo dài thì khó tránh khỏi nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Được biết, những năm qua, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Thuận Châu đã được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Riêng trong năm 2019, đã xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 12 công trình thủy lợi; đầu tư sửa chữa và tích nước ở 2 hồ chứa nhưng còn ở mức thấp. Toàn huyện hiện có 237 công trình thủy lợi, cấp nước cho hơn 1.588 ha lúa vụ đông xuân, trên 1.681 ha lúa vụ mùa và khoảng 68 ha nuôi trồng thủy sản. Về công trình nước sinh hoạt, toàn huyện hiện có 254 công trình cấp nước sinh hoạt; trong đó, 169 công trình cấp nước thường xuyên. 6 xã nguy cơ hạn hán lớn đã có 31 công trình cấp nước; trong đó, 1 công trình bền vững, 17 công trình tương đối và không bền vững; 13 công trình không hoạt động do đã xây dựng lâu năm (từ 1999), các đường ống dẫn và đập đầu mối hư hỏng, xuống cấp...
Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khẳng định: UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước trong vụ đông xuân năm 2020. Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch lấy nước cho vụ đông xuân; rà soát toàn bộ các công trình thủy lợi, đập điều tiết nước để tu bổ, sửa chữa kịp thời chuẩn bị cho thời kỳ lấy nước đổ ải và sản xuất vụ đông xuân sắp tới. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã có công trình thủy lợi phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La tại Thuận Châu duy tu bảo dưỡng các công trình thủy lợi; tính toán, cân đối nước tưới tiêu. Đồng thời, chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với từng vùng có khả năng xảy ra hạn hán do nguồn sinh thủy cạn kiệt, vùng đất chưa có công trình thủy lợi. Để đảm bảo nước sinh hoạt, huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước sinh hoạt khẩn trương duy tu, bảo dưỡng và khảo sát xây dựng các công trình cấp nước tập trung phục vụ sinh hoạt cho bà con trên địa bàn huyện. Thực hiện các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn để nâng cao độ che phủ rừng và tăng khả năng bảo vệ và tái tạo nguồn nước ngầm. Phấn đấu trong năm 2020 trồng mới 310 ha rừng tập trung, chăm sóc tốt hơn 1.568 ha rừng trồng; khoanh nuôi, tái sinh hơn 985 ha rừng...
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong thực hiện các biện pháp phòng chống hạn trong mùa khô, chủ động chuyển đổi cây trồng trên những diện tích có khả năng thiếu nước, huyện Thuận Châu sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân đúng khung thời vụ năm 2020.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thuan-chau-chu-dong-phong-chong-han-28573