Thuận lợi và khó khăn trong tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình
baothanhhoa.vn
Buổi nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật của hội viên thôn Lục Trung, xã Nga Giáp (Nga Sơn).
Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008 đã tạo cơ sở pháp lý nâng cao vai trò, hiệu quả trong công tác PCBLGĐ của Việt Nam, bảo vệ quyền, lợi ích của các thành viên trong gia đình, đặc biệt bảo vệ nạn nhân BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Tại Thanh Hóa, việc thực hiện Luật PCBLGĐ là nhiệm vụ quan trọng, được cấp ủy, chính quyền, ngành các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai toàn diện các hoạt động để tổ chức thực thi Luật PCBLGĐ, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến luật tới mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu.
Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Sở Tư pháp đã hướng dẫn các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác PBGDPL theo đúng tinh thần của Luật PBGDPL, Thông tư số 10/TT-BTP quy định về báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Năm 2018, toàn tỉnh có 105 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 477 báo cáo viên cấp huyện, 5.275 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; gần 5.024 tổ hòa giải với 32.471 hòa giải viên... góp phần không nhỏ trong việc truyền tải pháp luật về PCBLGĐ đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hơn 10 năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức 206 hội nghị tuyên truyền pháp luật về PCBLGĐ cho hơn 30.000 cán bộ chủ chốt cấp huyện và cán bộ nòng cốt cơ sở; biên soạn và phát hành 40.000 cuốn tài liệu, 80.000 tờ gấp pháp luật có nội dung về PCBLGĐ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ... Đặc biệt, nhiều sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã vận dụng cách thức, hình thức PBGDPL phù hợp nhằm đưa các quy định pháp luật về PCBLGĐ đến với từng làng xã, từng gia đình và cộng đồng dân cư, như: Mô hình câu lạc bộ: “PCBLGĐ”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Gia đình văn hóa”, mô hình “địa chỉ tin cậy”, thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa hưởng ứng “Ngày pháp luật”, ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu bằng hình ảnh, phim tư liệu có liên quan đến Luật PCBLGĐ; đăng tải, tuyên truyền trên Cổng Thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị... Với nhiều hình thức, nội dung tuyên truyền có trọng tâm, công tác PBGDPL về Luật PCBLGĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý thức đấu tranh PCBLGĐ cho cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, quá trình tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ những năm qua vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, như: Một số đơn vị, địa phương chưa được chú ý đúng mức đến việc thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ, thiếu chủ động trong quá trình chỉ đạo, giám sát, kiểm tra công tác tuyên truyền pháp luật nói chung cũng như tuyên truyền Luật PCBLGĐ; nhiều người quan niệm chỉ có hành vi bạo lực về mặt thể chất mới được coi là hành vi BLGĐ; công tác phối hợp tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quan tâm lồng ghép tuyên truyền Luật PCBLGĐ trong các nội dung chương trình công tác; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật PCBLGĐ chưa được phát huy nhiều.
Để công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ, thực sự đi vào cuộc sống, làm thay đổi cơ bản tình hình BLGĐ, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về khái niệm, phân loại BLGĐ và đối tượng của hành vi bạo lực gia đình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về PCBLGĐ, tăng cường phối hợp giáo dục người có hành vi bạo lực nhận thức hành vi không đúng do họ gây ra...