'Thuận thiên' là chìa khóa sinh tồn

Chuyện thật như đùa khiến nhiều người cười ra nước mắt, đó là trong mấy ngày mưa vừa qua, nhiều người dân đã cất vó, thả lưới bắt cá ngay trên đường phố của TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Không chỉ Vĩnh Phúc, trong đợt mưa lớn này, nhiều khu đô thị ở các tỉnh phía Bắc, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thủ đô Hà Nội... bị ngập úng cục bộ. Nhiều nơi nước ngập sâu cả mét, người dân trở tay không kịp. Tình trạng ngập úng ở các khu đô thị cho thấy những hạn chế, bất cập của quá trình đô thị hóa theo kiểu “ăn xổi” ở một số địa phương.

Thời tiết diễn biến khó lường, trong đó mưa lớn kéo dài là nguyên nhân khách quan. Tuy vậy, thiên tai chỉ là một phần, còn lại xuất phát từ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị. Không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan của quá trình đô thị hóa thiếu quy hoạch, sai quy hoạch, phá vỡ quy hoạch. Các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch chỉ ra rằng, hệ thống thoát nước tại nhiều đô thị đang “có vấn đề”, trong đó có lỗi của công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, việc khớp nối hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị thiếu đồng bộ. Ở nhiều đô thị hiện nay, tình trạng cứ mưa là ngập đã trở nên phổ biến.

Các lực lượng có mặt kịp thời di dời tài sản giúp dân tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Qdnd.vn

Các lực lượng có mặt kịp thời di dời tài sản giúp dân tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Qdnd.vn

Vì sao ở nhiều khu đô thị, khu dân cư mới cứ mưa là ngập? Điều này đã được chỉ ra, đó là tính kết nối hạ tầng chưa được thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, vì mục đích kinh tế mà chưa thực sự vì sự phát triển bền vững. Nhiều khu đô thị, khu dân cư được xây dựng theo kiểu “trăm hoa đua nở”, tách rời sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.

Hệ lụy “đặc sản” kéo theo sau đó là tình trạng ngập úng, tắc đường, thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ cho chính khu đô thị, khu dân cư đó. Ở các địa phương, tỷ lệ bê tông hóa ngày một gia tăng nhanh đã làm mất đi nhiều diện tích đất tự nhiên, các ao, hồ để chứa, thoát và thấm nước trong mỗi mùa mưa, lũ. Nhiều dòng chảy tại các kênh, mương bị lấn chiếm, thu hẹp đã làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Cùng với đó, trong quy hoạch và phát triển đô thị hiện nay, tình trạng thực hiện không đúng, tự thay đổi quy hoạch khá phổ biến. Về mặt lý thuyết, dù tỷ lệ xây dựng trên diện tích đất luôn được tính toán, quy hoạch hợp lý nhưng đã bị chủ đầu tư cố tình làm không đúng quy hoạch khiến hệ thống hạ tầng bị quá tải. Trong khi đó, dù đã có quy định các khu đô thị đều phải có khu thu gom và xử lý nước thải, trong đó bao gồm cả nước mưa ở bề mặt, tuy nhiên, một số chủ đầu tư đã ăn bớt hoặc không thực hiện các hạng mục này.

Phải nói rằng, sau nhiều năm phát triển, bộ mặt đô thị ở các địa phương đã thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, sự đô thị hóa nhanh nhưng thiếu tính bền vững, thiếu tầm nhìn xa đã gây ra hệ lụy ghê gớm. Con người phải biết chung sống hài hòa với tự nhiên là quy luật sinh tồn, làm ngược, làm trái quy luật “thuận thiên” đều phải trả giá đắt.

Quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị là vấn đề khó, thậm chí rất khó, bởi nó không chỉ đáp ứng cho vấn đề hiện tại mà cần phải tính toán dài hạn cho tương lai, cho sự phát triển bền vững của nhiều năm sau đó. Bởi thế, trong phát triển đô thị, đáng ra không có chỗ cho kiểu tư duy "ăn xổi". Điều đó đòi hỏi không chỉ là vai trò, trách nhiệm cao của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý mà cần trách nhiệm cao, lòng tự trọng, lòng tự hào của chính những người thực hiện nó.

HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thuan-thien-la-chia-khoa-sinh-ton-695652