Thuận thiên như… xứ cù lao
Trong đợt hạn, mặn được xem là gay gắt nhất, từ đầu năm đến nay, trong khi nhiều địa phương khác luôn kêu cứu vì hạn, mặn thì tại vùng đất 'tứ bề thọ' mặn Cù Lao Dung, chuyện sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây dường như không mấy xáo trộn. Và đó cũng là lý do thôi thúc chúng tôi trở lại vùng đất này vào những ngày giữa tháng 4 'nóng bỏng' không chỉ do hạn, mặn, mà còn do tác động từ dịch Covid-19.
Vừa đặt chân lên địa bàn xã Đại Ân 1, việc cần làm đầu tiên với chúng tôi là ghé vào chốt kiểm dịch để được đo thân nhiệt trước khi vào trung tâm huyện. Sau khi hoàn tất thủ tục phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi quyết định không vào trung tâm huyện mà về thẳng 2 xã giáp biển là An Thạnh 3 và An Thạnh Nam để tìm hiểu chuyện sinh hoạt, sản xuất của người dân trong thời điểm hạn, mặn như thế nào. Và trong câu chuyện của những lão nông nơi vùng đất “giữa sông lại giáp biển này” giúp chúng tôi hiểu thêm thế nào là hai chữ “thuận thiên”.
Câu chuyện về cách thích nghi với tự nhiên được những lão nông nơi đây kể với chúng tôi cũng… rất tự nhiên: “Mấy chục năm sinh sống ở vùng đất này, chứng kiến không biết bao sự thay đổi của thiên nhiên, nhưng tụi tui vẫn sống khỏe re có sao đâu! Ngay cả trong đợt hạn, mặn năm nay được xem là gay gắt nhất, dù bị mặn bao vây tứ bề lại không có nước ngọt khi triều thấp để lấy vô tưới cho cây trồng như mọi năm, nhưng cuộc sống, sản xuất vẫn diễn ra một cách bình thường. Tất nhiên là cũng có một số hộ gặp khó nhưng nhìn chung là không có nhiều xáo trộn”.
Chúng tôi vẫn còn nhớ trước đây, trong những lần bên tiệc rượu, hay tin triều cường gây vỡ đê nhưng những lão nông Cù Lao Dung vẫn tỉnh queo. Thấy chúng tôi có vẻ sốt ruột, một lão nông cười khà khà: “Cứ nhậu đi, đợi khi nước rút mới đi đắp được, chứ giờ này nước chảy như thác đổ, có muốn đắp cũng đâu có được”. Tới lúc này, chúng tôi mới vỡ lẽ ra là mình chẳng hiểu chút gì về chuyện sông nước vùng này cả.
Theo những lão nông, ở cái xứ giữa sông lại giáp biển này, nếu không hiểu được chuyện nắng mưa, mặn ngọt; không hiểu được đặc tính cây trồng, đồng đất thì không thể nào sống được, vì vùng này khác với vùng đất đồng, mùa khô, ngay cả cây màu, rễ cây cũng ăn sâu xuống để tìm nước nên chỉ cần mặn vô cách mặt liếp 5 tấc thôi là chết hết. Bởi vậy, trước đây, mới có câu: “Ra giêng anh cưới em” vì nông dân chỉ làm 1 vụ lúa mùa đến khi ra giêng (tức lúc mặn về) là tất cả thu hoạch xong, nhà nào cũng có lúa (tức có tiền) lại rảnh rỗi, nên cưới vợ, gả chồng khỏe re.
Sau năm 1975, một số hộ có điều kiện bắt đầu khai khẩn rừng lá, bần bạt ngàn tiến hành làm bờ bao ngăn lũ, ngăn triều cường, ngăn mặn, nhưng cũng chỉ làm 1 vụ lúa và 1 vụ màu, những người không có điều kiện vẫn chỉ cấy 1 vụ lúa mùa. Tuy nhiên, thời tiết, khí hậu, thị trường đâu phải lúc nào cũng thuận mà ngày càng khó khăn hơn, nên những nông dân cố cựu nơi đây cũng phải thay đổi dần để ngày càng thích nghi hơn. Vậy là không ai còn làm lúa nữa mà chuyển sang trồng mía, trồng màu, rồi nuôi tôm nước lợ hay trồng cây ăn trái… để có cái mà sống. Chính việc được tiếp xúc, làm quen dần qua năm tháng với sự thay đổi của thời tiết, khí hậu nên ngay cả đợt hạn mặn gay gắt nhất năm nay, nông dân Cù Lao Dung vẫn không hề kêu khó, kể khổ mà vẫn sản xuất bình thường.
Cái hay và cũng là cách để “sống cùng thiên nhiên” của người dân xứ cù lao này là ngay từ xưa, người dân đã biết chọn cây trồng, vật nuôi và bố trí cơ cấu mùa vụ dựa theo tự nhiên nên ít bị ảnh hưởng, kể cả những năm hạn, mặn gay gắt nhất như năm nay, trong đó, nghề nuôi tôm nước lợ là một điển hình đối với các xã gần giáp biển như An Thạnh 3 hay An Thạnh Nam. Gần đây, để thích ứng với hạn, mặn và thị trường, nông dân bắt đầu chuyển sang cây nhãn Ido.
Đưa chúng tôi ra sau nhà tham quan vườn nhãn Ido đang cho trái xum xuê giữa bốn bề khô hạn, anh Phạm Hồng Văn (Hai Văn) – nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung và cũng là một nông dân chính hiệu cho biết: “Sau khi từ bỏ cây mía vì hiệu quả không còn cao, tôi chuyển sang trồng nhãn Ido được 4 năm. Bây giờ đang là mùa nghịch mà nó vẫn cho trái xum xuê là nhờ có hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, sử dụng nguồn nước giếng khoan. Còn kế bên đang tưới phun xè xè là đám rẫy trồng khoai môn. Nói chung là mùa hạn này phải sử dụng tưới phun mới có đủ nước cho cây trồng cầm cự cho đến khi vào mùa mưa”.
Cũng theo Hai Văn, ở đây, khi mặn bắt đầu lên, tất cả các cống đều đóng lại hết và sau khoảng 1 tháng là tất cả các con kênh nội đồng đều đã cạn nước, nên việc tưới tiêu chỉ dựa vào nước ngầm. Từ đây, ông và nông dân địa phương lại sáng tạo ra cách làm mới để thích nghi với nguồn nước ngầm. Hai Văn kể: “Nước ngầm ở đây thường có phèn và một số tạp chất, nên ai cũng bơm nước giếng vào một cái hố có lót bạt để khử phèn và một số chất độc hại khác sau đó mới tưới cho cây trồng. Ngoài ra, hố này cũng còn là nơi dùng để pha chế phân, thuốc để tưới cho cây”.
Tất nhiên, không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ với mọi cư dân trên đất Cù Lao Dung, nhưng chí ít là ngay trong đợt hạn, mặn lịch sử này sự xáo trộn gần như là rất ít.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/huyen-cu-lao-dung/thuan-thien-nhu-xu-cu-lao-36703.html