Thức ăn chăn nuôi tăng giá, nông dân gặp khó

ĐBP - Từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) gia súc, gia cầm bắt đầu tăng mạnh với nhiều đợt liên tiếp khiến hộ kinh doanh, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn.

Người dân mua thức ăn chăn nuôi tại đại lý cấp 1 Hiền Hậu, tổ dân phố C4, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ).

Giá tăng mạnh

Khảo sát tại một số đại lý TACN trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên cho thấy, giá nhập các mặt hàng TACN gia súc, gia cầm từ đầu năm đến nay đã tăng liên tiếp, trung bình mỗi đợt tăng từ 5 - 10 nghìn đồng/bao loại 25kg. Hiện nay, mức chênh lệch đã lên đến 20 - 30 nghìn đồng/bao tùy dòng sản phẩm so với thời điểm tháng 12/2020; thậm chí có loại chênh lệch lên tới 50.000 đồng/bao. Đơn cử như: Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho gà của hãng CJ tăng từ 280.000 đồng lên 305.000 đồng/bao, dạng mảnh tăng từ 290.000 lên 315.000 đồng/bao; thức ăn cho lợn của hãng Con Cò tăng từ 270.000 lên 310.000 đồng/bao; thức ăn cho cá tăng từ 387.000 lên 420.000 đồng/kg. Thậm chí, thức ăn cho gà của hãng Con Cò dạng mảnh tăng từ 305.000 lên 350.000, còn dạng viên 28B tăng từ 270.000 lên 337.000 đồng/bao…

Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ một trang trại chuyên nuôi vịt tại đội 9, xã Thanh Yên (huyện Điện Biên) cho biết: “Thức ăn cho vịt từ đầu năm đến giờ đã tăng lên gần 20.000 đồng/bao. Nếu trước đây nuôi 1.000 con vịt trong 4 tháng chi phí hết 80 triệu đồng tiền cám thì nay tăng lên hơn 90 triệu đồng. Đấy là tôi đã tính toán giảm chi phí mua thức ăn đến mức tối đa rồi, nếu giảm lượng thức ăn nhiều quá thì không đủ đạm, vịt đẻ ít, trứng nhỏ, vỏ mỏng, bán không được giá. Để giữ mối kinh doanh nên tôi phải duy trì đàn vịt nuôi khỏi đứt quãng. Nếu giá TACN không hạ nhiệt, lứa sau tôi đành giảm quy mô đàn”.

Việc tăng giá bán các loại TACN không chỉ khiến các hộ chăn nuôi khó khăn mà còn ảnh hưởng tới các đại lý kinh doanh bởi sức mua trên thị trường giảm.

Chị Trần Thu Hiền, chủ đại lý cấp 1 Hiền Hậu chuyên cung cấp TACN tại tổ dân phố C4, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Dù phải điều chỉnh giá bán các loại TACN nhưng để duy trì mối làm ăn với khách hàng, đại lý chỉ tăng nhẹ để tránh lỗ. Nếu công ty tăng giá 10.000 đồng thì đại lý chỉ tăng khoảng 7.000 đồng, lợi nhuận cũng vì thế giảm đáng kể. So với thời điểm năm ngoái, giá TACN tăng mạnh và liên tục khiến người chăn nuôi gặp khó, do vậy sản lượng tiêu thụ giảm đáng kể. Năm trước, trung bình mỗi tháng đại lý nhập khoảng 50 tấn TACN, tuy nhiên từ đầu năm đến nay, số lượng xuất bán giảm xuống còn 38 tấn.

Giảm chi phí đầu vào

Khảo sát thị trường, đại diện nhiều đại lý TACN cho biết: 5 tháng trở lại đây, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đều có thông báo điều chỉnh tăng giá do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Việt Nam là quốc gia sản xuất TACN thuộc nhóm đầu các nước Đông Nam Á nhưng lại không chủ động được nguồn nguyên liệu nên phải phụ thuộc vào nước ngoài tới hơn 80%. Trong khi đó, dịch Covid-19 đã khiến khâu kiểm soát dịch bệnh khắt khe tại các nước xuất khẩu, thậm chí nhiều nước đã tạm dừng hoạt động này gây đứt gãy chuỗi cung ứng, từ đó đẩy giá nguyên liệu chế biến TACN cao. Kéo theo đó các nhà máy sản xuất TACN trong nước buộc phải liên tục điều chỉnh nâng giá bán cho các đại lý cấp 1, cấp 2.

Trước khó khăn này, nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm biệp pháp hạ giá thành TACN. Anh Bùi Văn Kiều, chủ hộ chăn nuôi lợn tại thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) cho biết: “Tôi đã đầu tư một máy nghiền và một máy trộn thức ăn, trung bình mỗi ngày trộn khoảng 200kg cung cấp đủ thức ăn cho gần 100 con lợn. Việc tự phối trộn cám, giảm mua thức ăn chế biến sẵn, gia đình tôi đã tiết kiệm được hơn 7 triệu đồng mỗi tháng”.

Còn với hộ gia đình chị Lò Thị Quý, bản Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ) hiện đang nuôi trên 100 con gà, vịt các loại chủ yếu để lấy trứng thì để tiết kiệm chi phí, gia đình chị đã chủ động phối trộn thức ăn từ các nguyên liệu có sẵn như bột ngô, cám gạo, các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia cầm.

Để tháo gỡ khó khăn và cũng duy trì đầu mối cung ứng hàng hóa, sau khi các công ty TACN tăng giá bán, nhiều đại lý TACN trên địa bàn tỉnh đã chọn giải pháp chỉ tăng giá nhẹ, chấp nhận lợi nhuận ít, cho nợ tiền mua TACN để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.

Thời điểm này, người dân đang đẩy mạnh các hoạt động khôi phục và ổn định đàn vật nuôi sau đợt cao điểm tiêu thụ tết Nguyên đán. Giá TACN tăng đã gây nhiều khó khăn để đầu tư tái đàn, tăng đàn. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cần hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi (chuồng trại, thiết bị, con giống) để tăng tối đa hiệu quả sử dụng TACN; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi tổ chức sản xuất theo chuỗi từ thức ăn, chuồng trại đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để có thể san sẻ rủi ro, khắc phục khó khăn cũng như chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu xây dựng mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô, lúa kết hợp với công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp để giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186807/thuc-an-chan-nuoi-tang-gia-nong-dan-gap-kho