Thực chất sau bàn đàm phán Nga - Taliban

Hôm nay (29/9), Nga đón một phái đoàn của Taliban để đàm phán về các vấn đề 'chống khủng bố' và 'ma túy' ở Afghanistan. Nhưng liệu đây có đơn giản là một màn 'trình diễn quyền lực' mang tính biểu tượng như phương Tây đánh giá?

Đây là vòng thứ 5 của cái gọi là "Cuộc đàm phán định dạng Moscow"- diễn ra lần đầu tiên vào năm 2017. Trung Quốc, Pakistan và Uzbekistan nằm trong số các cường quốc có đại diện tham dự cuộc gặp ở Kazan, phía Tây Nam nước Nga.

"Các nước láng giềng của Afghanistan thừa nhận Taliban sẽ nắm quyền trong tương lai gần. Và do đó, họ tin rằng cần phải giải quyết vấn đề còn tồn tại" - Anatol Lieven, Giám đốc Chương trình Á-Âu tại Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy - nói với Euronews.

Afghanistan bị đẩy vào tình trạng sụp đổ kinh tế sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Kabul hồi tháng 8/2021. Kể từ đó, viện trợ quốc tế cho quốc gia Trung Đông đã bị cắt giảm nghiêm trọng, trong khi ngân hàng trung ương của nước này bị cô lập khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế.

"Taliban rất cần sự hỗ trợ về ngũ cốc, năng lượng và tài chính. Và vì sẽ không nhận được những thứ đó từ phương Tây nữa, nên việc Taliban ngồi xuống bàn đàm phán với bất kỳ ai lúc này cũng là điều dễ hiểu" - ông Lieven nói thêm.

Nói cách khác, Nga dường như đang lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại ở Afghanistan.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa) cùng đại diện của cả chính phủ Afghanistan và Taliban chụp ảnh chung ở Moscow, trong một cuộc gặp vào năm 2018. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (giữa) cùng đại diện của cả chính phủ Afghanistan và Taliban chụp ảnh chung ở Moscow, trong một cuộc gặp vào năm 2018. Ảnh: AFP

Bên cạnh đó, mối đe dọa ngày càng tăng của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và các nhóm nổi dậy khác ở Afghanistan là nguyên nhân gây lo ngại cho các cường quốc trong khu vực.

David Loyn, cựu phóng viên BBC tại Afghanistan và thành viên cấp cao tại King's College London, bình luận: "Taliban đã không ngăn chặn các nhóm nổi dậy có thể muốn vượt sông Amu Darya và tiến vào Trung Á hoặc chiến đấu ở Trung Quốc".

Đối với Bắc Kinh, các nhóm Hồi giáo cực đoan đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng, cũng như hỗ trợ người Duy Ngô Nhĩ, là một mối đe dọa. Để hiểu lý do vì sao "chống khủng bố" được xếp hàng đầu trong chương trình nghị sự lúc này.

Mặc dù Taliban cũng đã tìm cách trấn áp hoạt động buôn bán ma túy ở Afghanistan kể từ khi giành lại quyền kiểm soát 2 năm trước, nhưng thành công của lực lượng này vẫn còn hạn chế. Theo phát hiện của UNODC, việc trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan đã tăng gần 1/3 so với năm 2022, trong đó Nga vẫn là một trong những điểm đến chính của các loại thành phẩm.

"Tôi nghĩ Taliban sẽ nghiêm túc hạn chế sản xuất ma túy nếu họ được đề nghị công nhận về mặt ngoại giao và viện trợ đáng kể" - chuyên gia Anatol Lieven nhận định - "Phía Nga có thể muốn trả tiền cho Taliban để trấn áp hoạt động buôn bán heroin và giúp lực lượng này trấn áp cuộc nổi dậy của IS ở Afghanistan".

Tháng 9 năm ngoái, Nga đã ký thỏa thuận với Afghanistan để cung cấp xăng, dầu diesel, khí đốt và lúa mì cho nước này. Đây là hiệp định kinh tế lớn đầu tiên được Taliban sử dụng kể từ khi nước này trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, Moscow đến nay được cho vẫn chưa thực hiện những cam kết này, một phần là do các lệnh trừng phạt.

Kể từ khi giành lại quyền lực, chính quyền Taliban vẫn chưa được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận. Tháng 8 năm nay, các quan chức Mỹ đã hội đàm với đại diện Taliban ở Doha, tập trung vào việc trả lại tài sản cho Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Các đại diện của Mỹ cũng kêu gọi Taliban giải quyết các vi phạm nhân quyền, cụ thể là lệnh cấm giáo dục đối với phụ nữ.

Ibraheem Bahiss, nhà phân tích của Chương trình châu Á của Crisis Group, cho rằng: "Các quốc gia trong khu vực tham dự vòng đàm phán này ở Kazan rất có thể sẽ thúc đẩy tiến bộ hơn nữa liên quan đến chính sách của Taliban về giáo dục với phụ nữ, và Taliban nhiều khả năng sẽ từ chối".

Trước câu hỏi liệu những cuộc đàm phán này có mang lại kết quả đáng kể, giới quan sát đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều. Như chuyên gia Loyn bình luận: "Không có bất kỳ giá trị thực chất nào trong các cuộc đàm phán này nhằm thay đổi thế cân bằng ở Afghanistan, Nga, Trung Quốc và Pakistan”.

Ngoài ra còn có sự hoài nghi về năng lực của các đại diện được chính quyền Kabul cử đến. "Suy nghĩ thực sự của Taliban vẫn đang tiếp diễn ở Kandahar, miền Nam, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh tối cao Hibatullah Akhundzada. Những hệ tư tưởng khăng khăng rằng các trường học không dành cho nữ sinh và hầu như tất cả các cơ hội việc làm đều không dành cho phụ nữ, sẽ không có lợi cho họ" - ông Loyn nói thêm.

Tuy nhiên, số khác tin rằng các cuộc đàm phán tạo đang được nhiều ảnh hưởng hơn. Chuyên gia Bahiss nói với Euronews: "Tôi sẽ không coi các cuộc gặp chỉ mang tính biểu tượng. Có thể có một phần nào đó của điều này là như vậy, nhưng khi những cuộc gặp này tiếp tục diễn ra thì có khả năng thực sự là mọi thứ sẽ thay đổi".

Nam Trung

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-chat-sau-ban-dam-phan-nga-taliban.html