Thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác ASEAN 2020
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác ASEAN năm 2020 và của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. ASEAN luôn đề cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và xây dựng Cộng đồng.
Ngày 24/11, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Na Uy đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo ASEAN về “Tăng cường Vai trò của Phụ nữ ASEAN đối với Hòa bình và An ninh Bền vững".
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động của năm ASEAN 2020 về thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng của Phụ nữ, kỷ niệm 20 năm Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa Bình và An ninh và 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh.
Tham dự Hội thảo có nhiều diễn giả cao cấp từ ASEAN, Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, đại diện của Hội đồng Điều hành và Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu Hòa Bình, Hòa giải ASEAN (ASEAN-IPR), Nhóm Phụ nữ ASEAN về Hòa bình, các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, đại diện các Đại sứ quán các nước ASEAN và các Đối tác tại Hà Nội và các Bộ, Ban, Ngành, các cơ quan nghiên cứu trong nước và khu vực.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu của hợp tác ASEAN năm 2020 và của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. ASEAN luôn đề cao vai trò và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và xây dựng Cộng đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao đóng góp của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình (AWPR), trong nỗ lực nâng cao nhận thức và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình và hỗ trợ việc lồng ghép các quan điểm về giới trong tất cả các sáng kiến và chiến lược ngăn ngừa xung đột.
Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác ASEAN và hợp tác quốc tế trong thúc đẩy nội dung “phụ nữ, hòa bình, an ninh” và cụ thể hóa các cam kết của Lãnh đạo ASEAN về nội dung này cũng như lồng ghép trong tiến trình triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và xa hơn.
Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu chia sẻ những đánh giá toàn diện về những nỗ lực của cộng đồng quốc tế và ASEAN trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự phụ nữ - hòa bình - an ninh, cũng như những thách thức đặt ra trong bối cảnh mới.
Các đại biểu đề cao vai trò thiết yếu và những đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với tiến trình hòa bình, an ninh bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Các đại biểu cũng nhất trí rằng cần thúc đẩy nội dung này trong các chiến lược phát triển của ASEAN thời gian tới, đồng thời có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, bao trùm và sáng tạo hơn trong triển khai các chương trình hợp tác về phụ nữ - hòa bình - an ninh.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp và nhiều thách thức mới nổi lên hiện nay, ASEAN cần thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn nữa thông qua tập trung các nguồn lực để tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, xây dựng Cộng đồng và thúc đẩy phục hồi.
Phát biểu tại Hội nghị, các diễn giả chính đã chia sẻ nhiều nhận xét, đánh giá toàn diện và đưa ra các giải pháp cụ thể. Đại sứ Lê Lương Minh, cựu Tổng Thư ký ASEAN (2013-2017), nhận định đại dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức đối với phụ nữ như gia tăng bất bình đẳng giới, bạo lực giới và tình trạng thiếu nguồn lực cho việc triển khai chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đại sứ cho rằng ASEAN cần huy động nỗ lực tập thể và nguồn lực cao hơn với các kế hoạch chi tiết ở cấp quốc gia và khu vực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và thực hiện hiệu quả nội dung này.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn Cao cấp của Ban Thư ký ASEAN 2020, Đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN về Hòa bình, nhấn mạnh tầm quan trọng của mối tương tác chặt chẽ giữa hòa bình, phát triển bền vững và bao trùm là “chìa khóa” quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN và toàn cầu.
Đại sứ cũng đề cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày càng gắn kết, năng động, bền vững và bao trùm trong giai đoạn hậu Covid-19, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa phụ nữ vào vị trí trung tâm trong những chiến lược, kế hoạch hợp tác dài hạn của ASEAN như xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025, triển khai Kế hoạch phục hồi tổng thể của ASEAN và tiến trình xây dựng Tầm nhìn của ASEAN sau 2025.
Các kết quả thảo luận và khuyến nghị của Hội thảo sẽ được tổng hợp thành báo cáo trình lên Hội đồng điều hành AIPR xem xét trước khi trình các Quan chức cấp cao ASEAN cho ý kiến chỉ đạo.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: