Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua chính sách an sinh xã hội

Ngày 15/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm 'Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua thực hiện chính sách an sinh xã hội khu vực Nam Bộ'.

Các đại biểu giao lưu tại tọa đàm.

Các đại biểu giao lưu tại tọa đàm.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh những khuôn mẫu và định kiến giới có hại là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giới. Phụ nữ và trẻ em gái thường đối mặt với nhiều rủi ro, tình trạng dễ bị tổn thương trong cuộc sống.

Tọa đàm lần này là sự kiện mở đầu Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới” (từ ngày 15/11 - 15/12). Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng trao đổi, bàn luận về mức độ đáp ứng giới của chính sách an sinh xã hội hiện nay...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới thông qua thực hiện chính sách an sinh xã hội cần có các trụ cột, khung chính sách từ Trung ương. Từ đó, các địa phương chỉ đạo cơ sở toàn diện, cụ thể và tùy theo tình hình địa phương linh hoạt vận dụng và ban hành chính sách đặc thù phù hợp.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngọc Linh cho rằng cần nhìn dưới góc độ có trách nhiệm giới, nâng cao vị thế của phụ nữ; tăng cường năng lực, khả năng ra quyết định, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kiểm soát các nguồn lực. Bà chia sẻ các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ trong thiên tai, dịch bệnh, góp phần giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới. Ngay sau khi tiếp nhận khoản viện trợ thực hiện dự án, các cấp Hội đã khảo sát và lựa chọn 2.148 hộ hưởng lợi với hình thức cấp tiền hỗ trợ sinh kế 5,5 triệu đồng/hộ.

Liên quan đến nhóm phụ nữ, phụ nữ dân tộc thiểu số, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chẩn, Trưởng khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khó tiếp cận với các vấn đề về kinh tế, giáo dục, sức khỏe và việc làm. Đặc biệt, phụ nữ dân tộc thiểu số còn mang tính cam chịu nhiều hơn là đấu tranh và khai báo để có thể tự bảo vệ mình khỏi bạo lực gia đình… nên cần có giải pháp cụ thể.

Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, cần phá vỡ rào cản, khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí; tiếp tục lan tỏa các mô hình để tạo sự tham gia của cộng đồng nhiều nhất có thể. Các đại biểu cũng đã bàn luận về mức độ đáp ứng giới của những chính sách an sinh xã hội hiện nay; mô hình, sáng kiến đảm bảo an sinh xã hội và xóa bỏ bạo lực giới như là một biện pháp căn bản nhằm tăng quyền năng cho phụ nữ, trẻ em gái, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới….

Tin, ảnh: Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/thuc-day-binh-dang-gioi-thong-qua-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-20241115181704500.htm