Thúc đẩy chuỗi liên kết cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa Đăk Tô chuyển mình
Để giảm nghèo bền vững và có sự chuyển mình tích cực trong xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) - nơi có đồng bào thiểu số chiếm hơn 57% dân số, đã và đang thực hiện những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với 'cầu nối' từ các HTX, tổ hợp tác. Nhất là ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao để đưa vào liên kết sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đông ở thị trấn Đăk Tô đang được xem là một HTX điển hình của huyện Đắk Tô nhờ phát triển mô hình sản xuất, chế biến cà phê sạch. HTX này đã đầu tư máy bóc vỏ cà phê tươi, máy rang xay cà phê, lò sấy và hệ thống nhà bạt phơi cà phê; sản phẩm cà phê đã bán ra thị trường, được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.
Thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ tham gia HTX
HTX Rạng Đông đã phát triển được hơn 25 ha cà phê, 10 ha cao su, 5ha cây ăn quả. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 2 tổ hợp tác phát triển được 60ha cây cà phê ở hai xã của huyện Đắk Tô là xã Diên Bình (11 hộ dân, có 30ha) và Tân Cảnh (9 hộ dân, 30ha). HTX đã hỗ trợ cho các hộ dân ở đây về kỹ thuật, phân bón, giúp các hộ dân yên tâm về đầu ra…
Tham gia vào HTX Nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Đônggiúp không ít thành viên trồng cà phê có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Giám đốc HTX, cho biết với sự tương trợ giúp đỡ nhau, các hộ gia đình là thành viên của HTX và các hộ dân liên kết đã có cuộc sống khấm khá. Nhiều hộ dân từ đó dần biết cách làm ăn, nắm vững kỹ thuật chăm sóc các loại cây, được bà con trong vùng học tập, làm theo. Hoạt động của HTX đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Là một thành viên HTX, anh Nguyễn Xuân Đại (ở thôn 1, xã Tân Cảnh) cho biết gia đình anh chuyên trồng các loại cây ăn quả và đến nay đã cho thu hoạch, mang đến thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tham gia HTX, anh Đại và các thành viên cùng nhau bàn bạc để đưa ra hướng làm ăn tốt nhất, đặc biệt là hỗ trợ nhau trong tìm đầu ra sản phẩm…Nhận thấy hiệu quả của mô hình, nhiều người ở xã Tân Cảnh và các xã khác trong huyện Đăk Tô đã đến tìm hiểu, học hỏi.
Hoặc như hộ gia đình anh Lương Thế Mạnh (tổ 1, khối phố 7- thị trấn Đăk Tô) cũng là một thành viên HTX có thu nhập khá cao. Với 2ha cao su, 2ha cà phê, 3ha mì kết hợp với chăn nuôi bò, từ khi tham gia HTX, mỗi năm gia đình anh cũng có thu nhập từ 300- 500 triệu đồng. Anh Mạnh còn được huyện Đăk Tô công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Ngoài HTX nêu trên, có thể kể thêm đến HTX Mắc ca Nhân Hòa ở thôn 3, xã Kon Đào (huyện Đăk Tô) đến nay đã phát triển 40 ha cây mắc ca. Cách đây 2 năm HTX đã chế biến thành công hạt mắc ca khô nẻ và đã đăng ký sản phẩm OCOP từ hạt mắc ca.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc HTX Mắc ca Nhân Hòa, cho hay khi tham gia HTX để cùng làm, cùng nghiên cứu, cùng phát triển và cùng góp vốn đã giúp cho các thành viên có những sức mạnh lớn hơn.
Thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trái mắc ca giúp người dân Đắk Tô thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
“Chúng tôi tập hợp các thành viên mỗi người có một thế mạnh khác nhau cùng góp lại, hợp tác để cùng nhau phát triển và đem lại đời sống tốt hơn cho tất cả các thành viên trong HTX. Các thành viên đều ý thức rõ việc xây dựng cho thương hiệu sản phẩm của mình, lấy tiêu chí chất lượng, hiệu quả làm động lực thi đua, phấn đấu. Đây cũng là mục tiêu mà HTX đang hướng tới”, ông Quyết chia sẻ.
Cùng với 2 HTX điển hình như vậy, trong phát triển kinh tế tập thể, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm, trên địa bàn huyện Đăk Tô hiện có 23 HTX nông nghiệp. Toàn huyện còn có 37 tổ hợp tác, với 506 thành viên, chủ yếu là tổ hợp tác trồng trọt và chăn nuôi.
Nhiều HTX trên địa bàn huyện Đăk Tô hoạt động hiệu quả đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Nhất là có nhiều diện tích cây trồng của các HTX như: Rau, cây ăn quả, cà phê... đã được đầu tư hệ thống tưới chuyên dụng. Một số diện tích cây trồng sản xuất theo hướng tiêu chuẩn vùng, VietGap, hoặc hữu cơ sinh học, thực hiện liên kết sản phẩm nên sản phẩm của HTX làm ra có giá trị kinh tế cao.
Ông A Hơn, Bí thư Huyện ủy Đăk Tô, cho biết thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, thực hiện có hiệu quả liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, huyện sẽ nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả cho người dân học tập và làm theo.
Theo Bí thư Huyện ủy Đăk Tô, phát triển nông nghiệp của huyện đang đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa và đã đạt được những kết quả tích cực từ sự góp sức của kinh tế tập thể. Qua đó góp phần tăng thu nhập ổn định cho nhân dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 57,17% dân số) ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đăk Tô đã tập trung hỗ trợ cây con giống theo nhu cầu của người dân và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên mang lại hiệu quả thiết thực. Như trong năm 2023, huyện đã phê duyệt 7 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca và 4 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, huyện Đăk Tô đã xác định phát triển cây mắc ca là một trong những cây trồng sản xuất hàng hóa đi vào chiều sâu, gắn thị trường tiêu thụ. Tổng diện tích cây mắc ca trên địa bàn huyện Đăk Tô hồi năm 2022 hiện đạt khoảng 591ha, trong đó có khoảng 232 ha diện tích cây mắc ca liên kết chuỗi giá trị.
Trong năm 2023 huyện đặt ra mục tiêu trồng mới 361ha mắc ca. Hiện nay, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân phát triển cây mắc ca trên địa bàn.
Tạo ra các vùng nguyên liệu tập trung
Vốn là một hộ nghèo ở thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô), hồi năm trước ông A Char đã tham gia vào Tổ hợp tác liên kết trồng và tiêu thụ mắc ca trong xã và được chính quyền xã hỗ trợ 100 cây giống mắc ca để trồng xen với cây dứa.
Theo ông A Char, từ khi tham gia tổ hợp tác, ông được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc nên sau 1 năm, cây mắc ca và cây dứa đều sinh trưởng, phát triển tốt, theo đà này thu nhập của gia đình chắc chắn đang được cải thiện, hướng tới thoát nghèo.
Cùng với cây mắc ca, hiện nay huyện Đăk Tô có tổng diện tích cây trồng thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Tô đạt 322,6 ha. Trong đó cây mắc ca là 260ha; dứa 11,7ha; mía đường 18,9ha; đậu đỗ 30ha; cây dược liệu 2ha.
Đến nay, huyện đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; có 11 sản phẩm OCOP được tỉnh Kon Tum công nhận đạt 3 sao.
Huyện Đăk Tô đã xây dựng cánh đồng lớn tại 4/9 xã. Ngoài ra, toàn huyện trồng mới được 871,8ha rừng, nhờ đó, tỷ lệ che phủ rừng đến nay khoảng 47,34% (bao gồm cả diện tích các loại cây như cao su, mắc ca, bời lời trên đất nông nghiệp).
Trong thời gian tới, huyện Đăk Tô tiếp tục đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất, trong đó ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất trên địa bàn nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đa dạng hóa các loại hình trong phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn.
Từ việc thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết nông sản như vậy đã góp phần giúp cho các xã trong huyện Đắk Tô đạt được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 3 xã của huyện Đăk Tô (gồm Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào) đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài 3 xã kể trên, hiện nay trong huyện còn 5/8 xã đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí để được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 3 xã (gồm Ngọk Tụ, Đăk Trăm và Pô Kô) đạt 13/19 tiêu chí; 2 xã (gồm Văn Lem và Đăk Rơ Nga) đạt 12/19 tiêu chí. Huyện Đăk Tô đang nỗ lực để cuối năm 2023, xã Ngọk Tụ và Văn Lem về đích nông thôn mới, các xã còn lại tăng ít nhất 2 tiêu chí so với cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, huyện Đăk Tô phấn đấu đến cuối năm nay có 10 thôn đạt chuẩn thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 3 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để đạt được các mục tiêu đề ra cho xây dựng nông thôn mới, một trong những giải pháp trọng tâm mà huyện Đăk Tô tiếp tục thực hiện trong thời gian tới là tạo ra các vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Nhất là tiếp tục phát triển các HTX, tổ hợp tác và nâng cao chất lượng hoạt động để tạo mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp bền vững hơn, cũng như nâng cao giá trị nông sản của người dân.