Thúc đẩy chuỗi liên kết trong các HTX đưa nông sản Bình Phước vươn xa

Tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong các HTX nhằm đưa nông sản vươn xa trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu vui, tạo ra 'chất keo' gắn kết kinh tế tập thể ở vùng đất đỏ bazan, góp phần giúp người dân nơi đây, trong đó có bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả.

Trong thượng tuần tháng 11/2023, HTX dịch vụ - thương mại Bom Bo Bình Phước (Tp. Đồng Xoài) đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Hiệp hội xuất nhập khẩu Quảng Đông (Trung Quốc) nhằm kết nối xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản Bình Phước sang thị trường Trung Quốc.

Hình thành chuỗi liên kết bền vững

Thông qua buổi làm việc, HTX Bom Bo Bình Phước đã giới thiệu các sản phẩm chiến lược: Hạt điều rang củi, tiêu sấy, mắc ca, cà phê, hạnh nhân; các sản phẩm từ trái cây, nước giải khát, các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền liên kết các HTX trong cả nước.

HTX Bom Bo Bình Phước đang đẩy mạnh liên kết với các HTX trong tỉnh Bình Phước nhằm thúc đẩy sản xuất, mua bán nông sản.

HTX Bom Bo Bình Phước đang đẩy mạnh liên kết với các HTX trong tỉnh Bình Phước nhằm thúc đẩy sản xuất, mua bán nông sản.

Ngoài việc hướng tới thâm nhập sâu thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc thông qua hoạt động xúc tiến thương mại như vậy, mục tiêu của HTX này trong thời gian tới là sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sang Trung Đông, khối EU và Mỹ.

Được thành lập từ cách đây 2 năm với 16 thành viên, HTX Bom Bo Bình Phước thời gian qua đã đẩy mạnh liên kết với các HTX trong tỉnh Bình Phước nhằm thúc đẩy sản xuất, mua bán các sản phẩm từ nông, lâm nghiệp, qua đó giúp giải bài toán tiêu thụ, nâng cao giá trị mặt hàng nông sản cho các HTX.

Bên cạnh đó, HTX này còn ký kết hợp đồng với các HTX đối tác để thu mua, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường, hình thành chuỗi liên kết bền vững, khép kín từ sản xuất đến bàn ăn, giải bài toán ùn ứ nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Cùng với HTX nêu trên, hiện nay, tỉnh Bình Phước đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết bền vững nhằm đưa nông sản của tỉnh vươn xa trên thị trường tiêu thụ với vai trò quan trọng của các HTX. Đây là tín hiệu vui cho kinh tế tập thể Bình Phước, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.

Đơn cử như với hạt điều, tỉnh Bình Phước đang khuyến khích phát triển liên kết vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 45 HTX hoạt động sản xuất điều.

Cụ thể như huyện Phú Riềng có 9 HTX điều đăng ký và có hướng tham gia liên kết diện tích 1.480 ha (hiện tại đang phát triển 3 HTX với diện tích 464 ha liên kết vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ). Tp. Đồng Xoài vận động 10 cơ sở và 1 HTX tham gia chuỗi liên kết hữu cơ với diện tích 769 ha. Huyện Đồng Phú có 5 HTX sản xuất điều đã ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ với diện tích 1.750 ha điều. Huyện Bù Gia Mập có 5 HTX sản xuất điều, diện tích 2.491 ha, trong đó 1.774 ha điều đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện thu nhập

Còn huyện Bù Đăng có 4 HTX tham gia chuỗi điều liên kết, diện tích 1.143,3 ha. Đơn cử như HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh ở xã Đắk Nhau đã thu hút thành công đồng bào dân tộc thiểu số tham gia HTX. Hiện, HTX có 250 thành viên, diện tích vườn cây điều là 820 ha và vẫn tiếp tục tăng.

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 45 HTX hoạt động theo chuỗi liên kết sản xuất điều.

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 45 HTX hoạt động theo chuỗi liên kết sản xuất điều.

Cách đây 3 năm, HTX này thuê Tổ chức Control Union đánh giá, cấp chứng nhận cho 140 hộ dân với 500 ha điều đạt tiêu chuẩn hữu cơ của USDA/EU/JAS. Từ đó, HTX đã ký kết bán khoảng 1.900 tấn điều hữu cơ cho Công ty Organics More, mang lại lợi nhuận cho các thành viên hơn 2,8 tỷ đồng. Quy trình sản xuất, chế biến hạt điều theo chuẩn hữu cơ luôn được HTX ưu tiên hàng đầu.

Sản phẩm chủ lực được HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh đưa ra thị trường là hạt điều rang muối truyền thống được triển khai từ cách đây 2 năm và không lâu sau đó, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất, đưa đến người tiêu dùng hơn 1 tấn hạt điều nhân thành phẩm.

Theo bà Phạm Thị Hậu, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh, hiện có 80% thành viên HTX là đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều diện tích điều già cỗi chưa được đầu tư cải tạo. Chuỗi liên kết được xây dựng từ khâu chăm sóc đến thu mua, chế biến. Trong đó, sự hỗ trợ nguồn lực về phân bón, kỹ thuật của cơ quan chức năng đã giúp người trồng điều tăng năng suất, sản lượng, từng bước cải thiện thu nhập.

Hoặc như ở xã Đồng Nai (huyện Bù Đăng) có 2 HTX nông nghiệp hữu cơ, chuyên canh tác cây điều với tổng diện tích 2.000 ha đang hoạt động hiệu quả, từng bước xây dựng chuỗi liên kết, có đối tác bao tiêu sản phẩm. Đó là HTX nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch và HTX hữu cơ Đồng Nai. Năng suất điều của 2 HTX này đạt bình quân 2 tấn/ha với sản lượng khoảng 2.400 tấn/năm. HTX thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước cũng đang liên kết với với 2 HTX để tiêu thụ hạt điều hữu cơ.

Kết quả bước đầu đạt được thiết thực, ý nghĩa nhất đối với các HTX nêu trên là lợi ích kết nối cộng đồng và từng bước ổn định, nâng cao thu nhập cho người trồng điều tại địa phương.

Riêng HTX nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng thành lập cách đây chưa lâu đã thu hút 105 thành viên, trong đó hơn 90% là đồng bào S’tiêng và M’nông tham gia. 1.000 ha điều đã được các thành viên đưa vào HTX để canh tác theo hướng hữu cơ bền vững.

Còn với chuỗi giá trị cây hồ tiêu ở Bình Phước phải kể đến HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo dựng vùng nguyên liệu. HTX này hiện có 16 thành viên với tổng diện tích gần 50ha và không ngừng lớn mạnh.

Tạo “chất keo” gắn kết

Để phát huy hết tiềm năng sẵn có, bên cạnh bán hàng trực tiếp, cung ứng vào các hệ thống siêu thị hiện có, HTX Lộc Quang đã vận dụng công nghệ internet, công nghệ số để đưa sản phẩm đến với các kênh thương mại điển tử như Lazada, Shopee, Tiki… Bên cạnh đó, HTX đang xúc tiến đăng lên sàn thương mại quốc tế để tiếp cận nhanh hơn đến đối tác, người tiêu dùng nước ngoài nhằm quảng bá thương hiệu, kêu gọi liên kết đầu tư.

HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo dựng vùng nguyên liệu.

HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo dựng vùng nguyên liệu.

Trong niên vụ 2022-2023, HTX này thu được 90 tấn hạt tiêu. Với ước mong đưa sản phẩm hạt tiêu hữu cơ Bình Phước ra thế giới, các thành viên HTX Lộc Quang luôn trăn trở thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, khẳng định thương hiệu tiêu Lộc Ninh trên thị trường.

Ông Phạm Thanh Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, cho biết mục tiêu của HTX là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho kinh tế hợp tác.

Bên cạnh cách thức liên kết như vậy, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 84 HTX nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; có 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, trong đó có 18 HTX nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic… Các đơn vị sản xuất đã bước đầu kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Không những vậy, các HTX trong tỉnh còn đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất cho đến tiêu thụ, để từ đó các thành viên HTX cải thiện thu nhập, hướng tới sản xuất nông nghiệp ổn định.

Cùng với việc xây dựng, hình thành ngày càng nhiều chuỗi liên kết, tỉnh Bình Phước đã có sự hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể. Nhờ đó đã và đang tiếp thêm nguồn lực giúp các HTX nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, từng bước xây dựng, định dạng thương hiệu, tạo điều kiện cho mô hình kinh tế tập thể phát triển bền vững.

Để tiếp tục thúc đẩy các HTX trong tỉnh Bình Phước liên kết với nhau trong thời gian tới, giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là các ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực, tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện tốt cho các HTX thực hiện liên kết với nhau nhằm tạo ra “chất keo” gắn kết hoạt động kinh tế tập thể ở Bình Phước

Có như vậy sẽ giúp các HTX ở vùng đất đỏ bazan này chủ động nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như vươn xa trên thị trường quốc tế. Không những thế, các HTX tham gia liên kết sẽ tạo nên không gian rộng lớn để cùng phát triển vững vàng hơn.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/thuc-day-chuoi-lien-ket-trong-cac-htx-dua-nong-san-binh-phuoc-vuon-xa-1096593.html