Thúc đẩy chuyển đổi số góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của bộ, ngành tư pháp
Chiều 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Thúc đẩy chuyển đổi số báo chí góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của bộ, ngành tư pháp. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến, trao đổi của đại diện các cơ quan quản lý báo chí, chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như các nhà báo đang công tác tại cơ quan báo chí.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp khẳng định: Chuyển đổi số là một bước ngoặt, tạo cơ hội thay đổi toàn diện về chất của mỗi cơ quan báo chí. Mặc dù vậy, qua thực tiễn triển khai cho thấy, nhận thức và kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.
Chuyển đổi số còn nhiều thách thức
Theo TS. Nguyễn Quang Hòa (Giảng viên khoa Quan hệ công chúng, Trường Đại học Văn Lang), quá trình chuyển đổi số báo chí hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như đòi hỏi đầu tư lớn, cần sự tự chủ và đầu tư về công nghệ, cũng như các nguy cơ từ mạng xã hội, nguy cơ liên quan tới bản quyền...
"Trong đội ngũ những người làm báo có rất nhiều người cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm nhưng lại lúng túng khi gặp công nghệ mới", chuyên gia dẫn chứng, đồng thời khẳng định: "Để chuyển đổi số thành công, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải thực hiện các giải pháp đồng bộ với quyết tâm cao độ".
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trịnh Thị Hương Giang, đại diện báo Pháp luật Việt Nam nhận định: "Chuyển đổi số báo chí không hề đơn giản" bởi nếu không thực hiện quyết liệt, báo chí sẽ "đánh mất công chúng của mình".
Bà Giang thẳng thắn chỉ ra 4 nhóm thách thức chính, bao gồm: Thiếu nguồn lực đầu tư; thiếu kiến thức về công nghệ; sự cạnh tranh của các kênh truyền thông lớn của tập đoàn nước ngoài, đặc biệt từ các công ty đa quốc gia như Facebook, Google..; vấn nạn tin giả và độ tin cậy của thông tin trên không gian mạng.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam: Trước hết, chúng ta cần xác định rõ bản chất của chuyển đổi số báo chí không chỉ đơn thuần là số hóa.
"Quan trọng hơn, mỗi cơ quan báo chí cần phải xây dựng được mô hình tòa soạn số, sản phẩm số và đặc biệt là phải xác định rõ các nguồn lực riêng có của mình", Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.
Chuyển đổi số tại Đài Tiếng nói Việt Nam dựa trên sự thừa hưởng các kết quả số hóa, ứng dụng CNTT và tự động hóa trong các cuộc cách mạng khoa học công nghệ từ những năm 1990 đến nay. Đây là nền tảng cơ sở để Đài có thể thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số.
Nhà báo Đặng Thị Ngọc Chi
Theo bà Đặng Thị Ngọc Chi, Phó Trưởng ban Thư ký-Biên tập Đài tiếng nói Việt Nam, việc số hóa, tự động hóa và ứng dụng CNTT tại Đài mới được triển khai tại một số công đoạn, theo các dự án/giai đoạn khác nhau mang tính đáp ứng yêu cầu nội bộ, mang tính đóng và chưa chú trọng đến khả năng kết nối "mở" với các hệ thống khác.
Nhiều hệ thống có dịch vụ, tính năng giống nhau nên không đồng nhất, cơ sở dữ liệu phân tán, không đồng bộ, loãng người dùng, thiếu chuẩn an ninh chung, khó phân cấp/kiểm soát, khó chia sẻ và nhiều rủi ro mất an toàn thông tin.
Chuyển đổi theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí chuyên sâu
Tại hội thảo, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân) đã giới thiệu về một số kinh nghiệm chuyển đổi số tại Báo Nhân Dân. Năm 2021, Báo Nhân Dân đã xây dựng Chiến lược chuyển đổi số để phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực với những định hướng và lộ trình thực hiện rõ ràng, trong đó đẩy mạnh đầu tư công nghệ, phát triển báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và các sản phẩm báo chí chuyên sâu kết hợp công nghệ.
Báo Nhân Dân ứng dụng công nghệ, sử dụng các tools (công cụ) miễn phí như Flourish, Infogram... vào quy trình sản xuất các sản phẩm trực quan, dữ liệu. Đặc biệt, Báo Nhân Dân đã hợp tác với đối tác quốc tế đưa công cụ Shorthand vào hoạt động sản xuất các bài e-magazine, longform. Đây là công cụ có nhiều tính năng vượt trội cho phép trình bày ấn tượng các sản phẩm đồ họa tương tác, ảnh, video, phục vụ cho nội dung báo chí. Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh phát triển fanpage Báo Nhân Dân trên các mạng xã hội Facebook, Tik Tok… theo xu hướng social-first.
Trong 3 năm qua, Báo Nhân Dân đã khai trương nhiều trang thông tin đặc biệt nhằm tiếp tục hiện thực hóa chiến lược phát triển đa nền tảng, đa phương tiện của Báo Nhân Dân, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm tuyên truyền sinh động, hiệu quả về xây dựng Đảng, đặc biệt là lĩnh vực phát triển lý luận về xây dựng Đảng như trang thông tin đặc biệt Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh và tư tưởng “lấy dân là gốc”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và "Những việc cần làm ngay”...
Theo nhà báo Ngô Việt Anh, Tri thức chuyên sâu là sản phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân trong năm 2022, đón đầu xu hướng báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu nhằm cung cấp kiến thức tổng quan, chuyên sâu với cách trình bày công phu, đa phương tiện, hấp dẫn. Tri thức chuyên sâu bao gồm đa dạng lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao…
Tháng 6 năm nay, Tòa soạn hội tụ Nhân Dân điện tử được khai trương trên khu vực có diện tích hơn 400m2 với không gian làm việc mở, có các hệ thống màn hình theo dõi chỉ số bạn đọc...Tòa soạn hội tụ hiện đại đã tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Với không gian làm việc mở, tòa soạn hội tụ cũng tăng tính tương tác, tạo cảm hứng sáng tạo cho những người làm báo.
Tòa soạn hội tụ hiện đại đã tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Với không gian làm việc mở, tòa soạn hội tụ cũng tăng tính tương tác, tạo cảm hứng sáng tạo cho những người làm báo.
Nhà báo Ngô Việt Anh
Nhiều giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số báo chí
Trình bày tại hội thảo, bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực triển khai nhiều giải pháp định hướng, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí.
Cụ thể, Bộ đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, cập nhật kỹ năng cho lãnh đạo, nhà báo, phóng viên, biên tập viên... về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số báo chí nói riêng. Trong 2 năm 2002-2003, Cục Báo chí đã phối hợp với Google tổ chức nhiều khóa đào tạo về chuyển đổi số báo chí.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng và công bố Bản đồ công nghệ cho lĩnh vực báo chí. Đây là cơ sở quan trọng giúp cơ quan báo chí xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển công nghệ phục vụ chuyển đổi số thông qua 3 vấn đề: Các xu hướng lớn ảnh hưởng tới ứng dụng công nghệ số hiện nay; các công nghệ có tiềm năng cân bằng giữa giá trị và rủi ro; công nghệ nào nên thận trọng khi triển khai.
Ngoài ra, tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, vận hành Cổng thông tin của Trung tâm nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện chuyển đổi số. Đặc biệt, cũng trong thời gian này, Bộ cũng ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
"Công cụ này giúp các cơ quan báo chí xác định được đơn vị mình đang ở trong giai đoạn nào, từ đó xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp phù hợp để chuyển đổi số hiệu quả", bà Thảo thông tin.
Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí xác định 5 trụ cột bao gồm: Chiến lược; Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin; Sự thống nhất về tổ chức và chuyên môn; Người đọc, người xem, người nghe; Mức độ ứng dụng công nghệ số.
Đại diện Cục Báo chí cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ, chuyển đổi số trong thời gian tới; như: Tăng cường vai trò của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ quản báo chí; tăng cường đào tạo nhân lực báo chí, xuất bản phục vụ chuyển đổi số; xây dựng cơ chế hợp tác "4 nhà" (Nhà nước, cơ quan báo chí, nhà quảng cáo, nhà công nghệ); xác định mô hình kinh doanh phù hợp với môi trường chuyển đổi số, không gian số; triển khai đánh giá, công bố xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhận định: Hội thảo đã giải đáp được nhiều vấn đề chung quanh vấn đề chuyển đổi số báo chí hiện nay, từ đó đề ra giải pháp phù hợp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí, góp phần phục vụ hiệu quả hơn nữa hoạt động của bộ, ngành tư pháp trong thời gian tới.