Thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng

Phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Phúc - TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Văn Phúc - TTXVN

Chiều 28/9, tại Tp. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND Tp. Hồ Chí Minh và một số tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo Phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng: Cơ hội và thách thức. Đây là phiên thảo luận chính nằm trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2023.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự gia tăng dân số, sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng…; trong đó, số liệu nghiên cứu và đánh giá cho thấy, lĩnh vực xây dựng tiêu thụ khoảng 37 - 40% tổng tiêu thụ năng lượng và phát thải khoảng trên 30% tổng lượng khí nhà kính.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Văn Phúc - TTXVN

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: Văn Phúc - TTXVN

Với mức tiêu thụ trên, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho rằng, việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0 đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới. Với những lợi ích mang lại, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội; trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng. Việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để ngành xây dựng chuyển đổi xanh.

Tuy vậy, Việt Nam chưa có quy định bắt buộc áp dụng đối với công trình xanh, việc phát triển công trình xanh được thực hiện theo hình thức tự nguyện, khuyến khích. Qua hơn 15 năm phát triển, Việt Nam có khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng.

Tp. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số công trình xanh với 67 công trình và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích sàn được chứng nhận hơn 1,26 triệu m2. Các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp…

Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hàng năm, nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hàng năm thì con số này còn khá khiêm tốn. Điều này đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng, việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.

Dưới góc độ địa phương, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh trong ngành xây dựng.

Cụ thể, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm thúc đẩy hình thành thói quen về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động của xã hội, trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và trong công trình xây dựng. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh và bền vững.

Tọa đàm về cơ hội và thách thức cho sự chuyển mình của ngành xây dựng. Ảnh: Văn Phúc - TTXVN

Tọa đàm về cơ hội và thách thức cho sự chuyển mình của ngành xây dựng. Ảnh: Văn Phúc - TTXVN

Để thúc đẩy phát triển các công trình xanh ở khối tư nhân, nhất là các doanh nghiệp FDI, ông Sérgio Silva, chuyên gia từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCharm) cho rằng, Việt Nam có thể đưa ra các lộ trình, mục tiêu cụ thể trong việc xây dựng cũng như thực hiện Net zero ở mảng công trình xanh. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có định hướng phát triển rõ ràng hơn.

“Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết tốt về mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong lĩnh vực công trình xanh, vấn đề còn lại là cần thâm nhập nhiều hơn để xây dựng năng lực, nhu cầu thị trường. Nếu có nhu cầu trên thị trường, có người mua trong mảng này thì sẽ thúc đẩy sự phát triển và đẩy mạnh mảng công trình xanh ở Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới”, ông Sérgio Silva chia sẻ.

Ông Ronald Tay, Tổng giám đốc CapitaLand Development (Việt Nam) cho rằng, hiện hành vi của người mua vẫn khác nhiều so với giai đoạn trước. Một trong những điểm nhấn về vấn đề này là người mua có xu hướng quay trở về với thiên nhiên. Đây là nhu cầu lớn, giúp các doanh nghiệp thấy rõ nhu cầu trên thị trường để cải thiện mảng công trình xanh trên cả nước.

Đối với những khó khăn cố hữu về chi phí, nguồn lực, ông Ronald Tay cho rằng, cần được nhìn nhận tiếp cận một cách toàn diện hơn trong việc phát triển công trình xanh. Đó không chỉ 1 phần tiết kiệm năng lượng, cây cối, mà cần có nhìn toàn diện về hệ sinh thái bao gồm tư vấn, thiết kế, đo lường toàn bộ dự án để đảm bảo giá trị tạo ra cho các bên liên quan.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị về việc phát triển nhà xưởng xanh, văn phòng xanh, tòa nhà xanh – hướng đến cải thiện chất lượng không gian sống và làm việc ở Việt Nam. Các vấn đề về xu hướng sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường cũng được các chuyên gia khuyên nghị. Cùng đó là việc ứng dụng các thiết bị và công nghệ tiên tiến, hướng đến công trình xây dựng hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường, phát thải thấp và đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng./.

H.Chung – V.Phúc/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-day-chuyen-doi-xanh-nganh-xay-dung/308040.html