Thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng

Theo thiết kế, tuyến đường 5 kéo dài có tổng chiều dài 13,32 km, mặt cắt ngang rộng 68,5 m. Dự án được khởi công vào tháng 5-2005, dự kiến hoàn thành vào tháng 5-2008, nhưng cho đến nay, sau hơn tám năm thi công, dự án vẫn chưa hoàn thành. 19 gói thầu của dự án mới đạt từ 50% đến 70% khối lượng công việc. Theo Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn - chủ đầu tư dự án, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dự án triển khai chậm trễ là do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Dự án đi qua địa bàn ba phường của quận Long Biên và năm xã thuộc huyện Ðông Anh, với tổng diện tích đất bị thu hồi là hơn 142 ha, 4.700 hộ dân và 45 cơ quan, đơn vị nằm trong diện giải phóng mặt bằng... Cho đến tháng 4 năm nay, quận Long Biên mới hoàn thành giải phóng mặt bằng để thi công tuyến đường chính, nhưng vẫn còn 31 hộ dân tại khu vực nút giao cầu Chui, thuộc phường Ðức Giang và 25 hộ dân tổ 16 phường Thượng Thanh vẫn chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Còn tại huyện Ðông Anh, đến nay vẫn còn 17 hộ dân tại thôn Ðông Trù, xã Ðông Hội chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng... Công tác GPMB dây dưa, kéo dài hàng năm trời, dẫn đến giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến động, vượt xa dự toán ban đầu, khiến không ít nhà thầu nản chí, bỏ cuộc. Vì vậy, đầu năm nay, UBND thành phố Hà Nội đã buộc phải điều chỉnh mức đầu tư dự án lên hơn 6.600 tỷ đồng, tăng gần gấp hai lần so với dự toán ban đầu, trong đó riêng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng hơn 1.200 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách thành phố. Thời gian hoàn thành dự án dự kiến kéo dài cuối năm 2014, chậm so với kế hoạch gần sáu năm...

Ðây chỉ là một trong những dự án điển hình bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Trong danh mục 55 công trình trọng điểm thành phố giai đoạn 2011-2015, hiện nay có gần 40 công trình chậm tiến độ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng như dự án đường vành đai I (đoạn Ô Ðông Mác-Nguyễn Khoái), dự án hai tuyến vành đai II (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và Vĩnh Tuy-Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng)... Vướng mắc chính trong công tác giải phóng mặt bằng tập trung vào trình tự, thủ tục, chính sách tái định cư đối với các hộ dân bị thu hồi đất, nhất là đơn giá bồi thường đất. Công tác điều tra, kiểm đếm, xác định giá bồi thường, chuẩn bị quỹ tái định cư phụ thuộc nhiều vào năng lực chủ dự án và sự phối hợp của người bị thu hồi đất, cho nên khi người dân không hợp tác thì các cơ quan chức năng không thể thực hiện được việc lập phương án, phê duyệt phương án... Ngoài ra, quy định hiện hành mới có chế độ thưởng đối với các hộ dân bàn giao mặt bằng đúng hoặc trước ngày quy định, nhưng chưa áp dụng quy định xử phạt nếu chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến một số hộ dân cố tình chây ỳ, cố tình không bàn giao mặt bằng...

Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, tại kỳ họp thứ bảy vừa qua, HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về các biện pháp bảo đảm việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô.

Nghị quyết nêu rõ, khi triển khai thực hiện dự án đầu tư quan trọng, UBND thành phố ban hành quyết định về kế hoạch tổ chức thực hiện thu hồi đất, khảo sát, điều tra, kiểm đếm và các biện pháp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không hợp tác với tổ chức được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng trong việc khảo sát, điều tra, kiểm đếm, UBND các quận, huyện, thị xã ra quyết định khảo sát, điều tra, kiểm đếm bắt buộc để lập hồ sơ, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. UBND thành phố cũng quyết định phân kỳ thu hồi đất, giao đất, giải phóng mặt bằng đối với từng dự án. Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi đã được lập, công khai, thẩm định, hoàn thiện theo quy định, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổ chức thực hiện phương án; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, trình UBND thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền đã tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục nhưng hộ gia đình, cá nhân không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, không bàn giao mặt bằng thì tổ chức được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng chuyển tiền bồi thường, hỗ trợ vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước và thực hiện các biện pháp hành chính để thu hồi đất theo quy định.

Nghị quyết cũng cho phép nâng mức thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với chủ sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích các chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước tự nguyện hỗ trợ thêm cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất ổn định sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống từ nguồn tài chính hợp pháp. Cụ thể, mức thưởng đối với chủ sử dụng đất khi bị thu hồi toàn bộ đất ở hoặc thu hồi một phần đất ở, nhưng buộc phải phá dỡ toàn bộ nhà ở, đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ từ 10 đến 30 triệu đồng. Chủ sử dụng đất khi bị thu hồi một phần đất ở, đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ thì được thưởng từ năm đến 15 triệu đồng...

Hy vọng với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ nêu trên, trong thời gian tới công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố sẽ đạt được kết quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/20797302-.html