Thúc đẩy công tác hội đoàn giữa mùa dịch Covid-19 tại Thụy Điển
Đại sứ Phan Đăng Đương đã nhiều lần tâm sự trong các cuộc họp cơ quan, nếu cứ e ngại và chờ hết dịch thì biết đến bao giờ mới gặp được bà con...
Trong hai ngày từ 9-10/8, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển (ĐSQ) do Đại sứ Phan Đăng Đương làm Trưởng đoàn đã thực hiện chuyến công tác tại một số thành phố phía Nam Thụy Điển là Malmö, Helsingborg, Lund. Mục đích của chuyến công tác là thăm hỏi, động viên bà con người Việt hiện đang sinh sống, học tập, làm ăn tại các địa phương này, ngoài ra cũng là dịp để Cơ quan đại diện có cơ hội trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, sinh viên, doanh nghiệp khi họ mong muốn phát triển cộng đồng ngày càng lớn mạnh thông qua các hội đoàn chính thức của cộng đồng.
Mục đích là như vậy nhưng để có được chuyến công tác này, Đại sứ quán đã có một quá trình chuẩn bị kỹ càng và đầy quyết tâm vì đây là chuyến công tác giữa mùa dịch Covid-19. Cả người đi và người đón chắc không thể không có những phút giây phân tâm, suy nghĩ, lo ngại nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Nhưng theo Đại sứ Phan Đăng Đương đã nhiều lần tâm sự trong các cuộc họp cơ quan, nếu cứ e ngại và chờ hết dịch thì biết đến bao giờ mới gặp được bà con? Với tinh thần chủ động, ĐSQ đã quyết định triển khai đợt công tác này.
Đoàn công tác đã chọn sinh viên là điểm đến đầu tiên trong hành trình công tác của Đoàn. Tại Đại học Lund, Trần Hoàng Hải Yến, nghiên cứu sinh ngành Hóa Lý và hơn chục bạn sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại thành phố Lund đã có mặt trước cả tiếng đồng hồ để chào đón Đoàn. Em và các bạn phấn khởi giới thiệu với Đoàn về trường đại học được xếp hạng top 100 trường đại học hàng đầu thế giới, vừa kể vừa dẫn Đoàn đi thăm khuôn viên Đại học Lund, thăm phòng thí nghiệm của khoa Lý Hóa được đánh giá là phòng thí nghiệm đứng đầu khu vực Bắc Âu. Các em chia sẻ với Đại sứ về cuộc sống sinh viên xa nhà, môi trường học tập hiện đại tiên tiến, ước mơ, hoài bão nghiên cứu khoa học, cả những chuyện lo tìm kiếm công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp...
Trao đổi với các em sinh viên, nghiên cứu sinh, Đại sứ Phan Đăng Đương đánh giá cao kết quả học tập, nghiên cứu của lưu học sinh Việt Nam tại Thụy Điển nói chung và tại Trường Lund nói riêng trong thời gian vừa qua. Đại sứ động viên các em cố gắng khắc phục mọi khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, thực hiện tốt các quy định của nước sở tại về phòng chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục phấn đấu học tập để giành kết quả cao nhất.
Đại sứ hoan nghênh và bày tỏ sự ủng hộ của Đại sứ quán đối với nguyện vọng thành lập Hội sinh viên Việt Nam tại Thụy Điển được các bạn sinh viên nêu lên tại buổi gặp gỡ này. Đại sứ khẳng định đây là một nguyện vọng chính đáng, thiết thực nhằm tạo ra một diễn đàn chính thức để sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Thụy Điển giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như cuộc sống, đồng thời là cầu nối giữa lưu học sinh Việt Nam tại Thụy Điển với lưu học sinh Việt Nam trên toàn thế giới.
Với quyết tâm và nỗ lực của tuổi trẻ, bằng nhiệt huyết của mình, các bạn sinh viên dự kiến sẽ khởi đầu bằng kế hoạch thành lập Hội sinh viên Việt Nam tại Trường Lund, sau đó sẽ lan tỏa ra toàn khu vực phía Nam và đích cuối cùng là Hội sinh viên Việt Nam tại Thụy Điển.
Đến thăm bà con người Việt đang sinh sống, làm ăn tại tỉnh Skäne, Đoàn công tác đã có buổi gặp, làm việc với Ban chấp hành Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển, đại diện bà con Việt kiều tiêu biểu tại một số tỉnh phía nam Thụy Điển, đại diện các doanh nghiệp người Việt tại các thành phố Malmö, Lund, Helsinborg, Göteborg…
Trong bài phát biểu giới thiệu, ông Lê Sơn Hà, Chủ tịch Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển cho biết Ban chấp hành Hội và đại diện các doanh nghiệp người Việt tại các tỉnh miền Nam Thụy Điển rất phấn khởi cũng như cảm động khi biết cộng đồng bà con, doanh nghiệp người Việt ở miền Nam Thụy Điển được Đại sứ lựa chọn là nơi khởi đầu cho đợt triển khai công tác cộng đồng trong nhiệm kỳ công tác của mình tại Thụy Điển.
Tại buổi làm việc, Đại sứ Phan Đăng Đương đã thông báo vắn tắt tới bà con tình hình kinh tế, xã hội nổi bật trong nước thời gian qua, đặc biệt là những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đối với công tác Người Việt Nam ở nước ngoài và những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Với chủ trương cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng công tác Người Việt Nam ở nước ngoài, điều này thể hiện rõ nét thông qua những nỗ lực của Chính phủ trong việc đón hàng ngàn công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại nhiều nước trên thế giới do đại dịch Covid-19, trong có Thụy Điển.
Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, Chính phủ và các bộ, ngành vẫn cố gắng dồn sức lo cho đồng bào ở nước ngoài về nước tránh dịch Covid-19, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể cho người cách ly. Những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm một cách vô tư, thiện tâm để cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn của dịch Covid-19 không phân biệt quốc tịch, màu da, giàu nghèo đã nói lên tinh thần nhân đạo, đầy trách nhiệm vốn là truyền thống đạo lý, là chính sách đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, không để một ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch Covid-19.
Tại cuộc gặp mặt, Đoàn công tác đã thông báo cho bà con về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020, ý nghĩa của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU (EVIPA) đã ký vừa qua. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, khẳng định vị trí số 1 của Việt Nam trong khu vực ASEAN về hội nhập kinh tế quốc tế và Việt Nam cũng là quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký được FTA với EU.
Việc các doanh nghiệp hai nước Việt Nam-EU, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển, tận dụng triệt để lợi thế trước những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng do EVFTA mang lại sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU nói chung và Thụy Điển nói riêng trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, nông thủy sản…
Tham tán Thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy đã trình bày với các doanh nghiệp về những vấn đề mà các doanh nghiệp đang quan tâm liên quan đến Hiệp định EVFTA, trong đó nhấn mạnh tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ Việt Nam vào thị trường Thụy Điển (gạo, cà phê, thủy sản...).
Đại sứ Phan Đăng Đương đã biểu dương những thành tích nổi bật của Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển đã đạt được trong thời gian qua, góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt Nam đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái tại Thụy Điển; đồng thời khẳng định sự tham gia tích cực của Hội trong các hoạt động do Đại sứ quán tổ chức có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào thành công của Đại sứ quán trong công tác Người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua.
Tại buổi gặp gỡ, làm việc, Đoàn công tác đã chia sẻ với bà con, doanh nhân người Việt tại Thụy Điển những khó khăn trong cuộc sống, kinh doanh giữa đại dịch Covid-19, đồng thời đánh giá cao và ủng hộ nguyện vọng của các doanh nghiệp mong muốn thành lập Hội doanh nghiệp người Việt tại Thụy Điển.
Trước sự có mặt của Đoàn công tác, đại diện đông đảo các doanh nghiệp tham dự buổi làm việc đã nhất trí bầu Ban chấp hành lâm thời để tiến hành các bước tiến tới thành lập Hội doanh nghiệp người Việt tại Thụy Điển.
Sau buổi làm việc, đoàn công tác đã tới thăm cơ sở kinh doanh của một số doanh nghiệp người Việt tại thành phố Helsingborg. Đây là những doanh nghiệp có quá trình kinh doanh ổn định, lâu dài tại Thụy Điển và có uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm châu Á, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản, tiêu dùng của Việt Nam như công ty East Asian Food AB, A Chau Lien Import and Export AB.
Ông Diệp Văn Tỷ, Giám đốc Công ty East Asian Food AB, sang lập nghiệp tại Thụy Điển từ cuối những năm 1970, bắt đầu bằng nghề dạy học, sau đó chuyển sang kinh doanh hàng tiêu dùng, sau nhiều năm đã gây dựng được một cơ sở kinh doanh bề thế, có tiếng tăm trong khu vực. Sau nhiều năm sinh sống và kinh doanh ở nước ngoài, ông muốn dành thời gian còn lại để trở về đầu tư phát triển quê hương.
Đoàn công tác cũng tới thăm trang trại trồng dưa chuột của Công ty Phan Handelsträdgår AB của ông Phan Văn Chính, một Việt kiều với hơn 30 năm sinh sống, lập nghiệp tại Thụy Điển. Sản phẩm dưa chuột của Công ty được phân phối tiêu thụ tại các siêu thị lớn của Thụy Điển cũng như được xuất khẩu sang các thị trường khu vực Bắc Âu.
Cũng giống như nhiều chủ doanh nghiệp người Việt khác tại Thụy Điển, ông Phan Văn Chính muốn chứng minh cho bạn bè nước sở tại thấy người Việt ở đây hoàn toàn có khả năng tiếp cận với công nghệ hiện đại để kinh doanh, sản xuất lớn.
Với sự giúp đỡ nhiệt thành của Hội Văn hóa Việt Nam tại Thụy Điển, chuyến công tác của Đoàn Đại sứ quán giữa mùa dịch Covid-19 đã thành công tốt đẹp, mang lại niềm tin ấm áp, là bước khởi đầu thuận lợi để thành lập Hội sinh viên Việt Nam và Hội Doanh nghiệp người Việt đầu tiên tại Thụy Điển.
QT.
(theo ĐSQ Việt Nam tại Thụy Điển)