Thúc đẩy đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật
Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và những giá trị mang lại, việc phát triển công nghiệp văn hóa tại châu Á đang ngày càng được quan tâm, đặt ra vấn đề cần thúc đẩy đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật.
Sáng 19.12, Hội nghị “Diễn đàn Chiến lược và Hợp tác Văn hóa Châu Á - VICAS - Zuni: Vai trò của giáo dục đại học” do Zuni Icosahedron (Hong Kong, Trung Quốc) và Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) đồng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm tăng cường sự gắn kết nghệ thuật và văn hóa giữa Hong Kong, Trung Quốc và các nước trong khu vực châu Á bằng cách thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, người sáng tạo và thực hành nghệ thuật... Từ đó, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực, thông qua chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các chính sách và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.
Phát biểu chào mừng hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: phát triển văn hóa đặc biệt là giáo dục và đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam đang có những bước tiến bền vững hơn. Hội nghị có sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và giáo dục, người sáng tạo và thực hành nghệ thuật thành danh trong khu vực châu Á và Việt Nam, nhằm thảo luận các vấn đề nổi bật hiện nay liên quan tới chủ đề giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa và nghệ thuật ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Các trao đổi tại hội nghị đặt ra trọng tâm thúc đẩy vai trò của giáo dục trong nâng cao sự hiểu biết với các quốc gia châu Á. Bởi các ngành công nghiệp văn hóa đang có sự chuyển dịch với sự phát triển mạnh mẽ hơn ở châu Á, trong đó nổi bật là khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Danny Yung, người sáng lập Zuni Icosahedron cho rằng, sự gặp gỡ giữa VICAS và Zuni sẽ đem lại hiệu ứng tích cực. Diễn đàn không chỉ giúp hiểu biết chung trong giáo dục và đào tạo nghệ thuật, mà còn đặt ra kế hoạch cụ thể để có sự hợp tác lâu dài trong tương lai.
Các ý kiến tại hội nghị cho thấy, công nghiệp văn hóa, ngoại giao văn hóa và khởi nghiệp với văn hóa ngày càng được quan tâm mạnh mẽ tại các quốc gia. Nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cũng đã ra đời, thúc đẩy quá trình này. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra những đột phá mới, mở ra không gian sáng tạo và kết nối vô hạn cho các nghệ sĩ và doanh nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức đặt ra, như: sự cân bằng giữa kinh doanh, lợi nhuận và giá trị văn hóa nghệ thuật, tiếp cận nguồn tài nguyên văn hóa và xây dựng chiến lược để đạt hiệu quả cao nhất, phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật...
Hội nghị diễn ra đến hết ngày 20.12, với 4 phiên thảo luận: Phát triển khởi nghiệp văn hóa và kết nối mạng lưới; Phát triển chiến lược nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật; Hướng tới mạng lưới chiến lược văn hóa và nghệ thuật toàn ASEAN; và Lên kế hoạch cho các bước tiếp theo.