Thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Pháp vào TP Hồ Chí Minh
Ngày 27/6, Đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM làm trưởng Đoàn, đã đến thăm và làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp Pháp (MEDEF) tại Paris để kết nối doanh nghiệp Pháp có nguyện vọng đầu tư, kinh doanh tại thành phố và đặc biệt là tham gia Đề án Quy hoạch phát triển bờ kè sông và Kinh tế dịch vụ hành lang sông Sài Gòn.
Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao mối quan hệ sâu sắc về lịch sử và văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. Trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược, hai nước đã cùng nhau xây dựng cơ chế hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đến văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Lãnh đạo hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao và duy trì mối quan hệ chính trị khăng khít.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng bình quân trên 15%/năm trong giai đoạn từ 2011-2020. Sau đại dịch Covid-19, trao đổi thương mại song phương đang phục hồi tích cực, đạt 5,3 tỷ USD năm 2022.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng khẳng định, TP.HCM là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, là đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Với dân số hơn 14 triệu người, gần 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 1/3 số doanh nghiệp cả nước), tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, thành phố là một thị trường hết sức tiềm năng.
Sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19, TP.HCM tập trung thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, đi đôi với cải thiện hạ tầng và phát triển đô thị theo hướng đa trung tâm, kết nối vùng, đô thị xanh, đô thị thông minh, phát triển hài hòa nông thôn và thành thị.
Bí thư Thành ủy TP.HCM chia sẻ, chuyến thăm lần này của của đoàn là mong muốn học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine và thu hút đầu tư phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn. Trong giai đoạn 2025-2045, thành phố sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp hoạt động dịch vụ, du lịch và kinh tế nhằm phát huy tối đa giá trị dòng sông. Đồng chí cũng đề nghị MEDEF phối hợp kết nối doanh nghiệp Pháp có nguyện vọng đầu tư, đóng góp cho sự phát triển của bờ sông Sài Gòn hoặc tham gia các dự án tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật có liên quan.
Thay mặt Hội đồng Doanh nghiệp Pháp, ông Francois Corbin, Chủ tịch MEDEF, Đại diện đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp trong quan hệ kinh tế với các nước ASEAN nhận xét, thị trường Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng và chiến lược tại khu vực châu Á.
Ông cũng bày tỏ ấn tượng về việc Việt Nam đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ. Đáng chú ý là bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á..
“Các doanh nghiệp Pháp, nhất là nhóm đặc biệt gồm khoảng 420 công ty mà nghiệp đoàn quản lý sẵn sàng tăng cường mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn để phát triển các giải pháp trong các vấn đề như giao thông, xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, nước hay xử lý rác thải… để quan hệ giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam sẽ mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dân thành phố Hồ Chí Minh”, ông Francois Corbin cho biết.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước, đồng thời mong muốn Chính phủ Việt Nam và TP.HCM cùng hỗ trợ và tạo điều kiện để hợp tác, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Lãnh đạo TP.HCM giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp Pháp, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Pháp đến đầu tư và tham gia hoạt động kinh doanh tại thành phố.