Thúc đẩy động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam phát triển bền vững

Để GDP cả năm 2023 tăng 6,5%, tăng trưởng quý III tối thiểu phải đạt 7,4% và quý IV là 10,3%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu các động lực tăng trưởng được kích hoạt kịp thời, đi kèm với thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

Chính phủ đã có những hành động quyết liệt trong việc đề xuất Quốc hội cũng như chỉ đạo cơ quan liên quan ban hành chính sách kịp thời nhằm tháo gỡ các khó khăn, vực dậy nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023. Một điểm đáng chú ý, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước, nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công), xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lần đầu tiên nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Thách thức bủa vây

Thực tế trong nửa chặng đường đầu tiên của năm 2023, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn, thách thức từ hệ lụy của dịch COVID-19, xung đột địa chính trị trên thế giới. Những khó khăn này đã tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng GDP. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020; GDP 6 tháng đầu năm tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng này không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước. Dù cuối năm 2022, lường trước những tác động bất lợi của tình hình thế giới và những bất cập nội tại nền kinh tế để Chính phủ quyết định các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 nhưng thực tế diễn ra với quá nhiều bất lợi. Đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các Ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, Trung Quốc thắt chặt chính sách Zero COVID… Điều này dẫn đến nền kinh tế giảm cầu; trong khi các chi phí đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh tăng cao.

Việt Nam với độ mở nền kinh tế lớn đã chịu những tác động không nhỏ. Theo đó, ngay trong quý đầu tiên của năm 2023, GDP tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng đây là mức tăng trưởng thấp thứ hai trong lịch sử 13 năm, chỉ cao hơn so với mức tăng trưởng của quý I/2020 là 3,2%. Một số địa phương có mức tăng trưởng thấp. Đặc biệt tăng trưởng của đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp hạng 56/63 địa phương.

Tại Công điện số 238/CĐ-TTg ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trong thời gian tới của Thủ tướng Chính phủ cũng phân tích, quý I năm 2023, mặc dù giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%, nhưng do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh của một số ngành công nghiệp chủ yếu như điện tử, dệt may, da giầy, đồ gỗ do một số nước là bạn hàng lớn của Việt Nam phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để ưu tiên chống lạm phát và biện pháp bảo hộ để duy trì tăng trưởng, dẫn đến giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% vào mức tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, nếu nhìn trong bối cảnh của toàn cầu nói chung với các nền kinh tế như Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 1,1%, cũng như nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu chỉ tăng trưởng 0,1%... Trong bối cảnh đó thì mức tăng trưởng 3,32% quý I của Việt Nam vẫn đáng được ghi nhận. Với kết quả này, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng tiếp theo, cũng ngay trong Công điện số 238, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng phân công các Thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc với từng địa phương để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu tại địa phương, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Để tháo gỡ khó khăn tín dụng cho doanh nghiệp, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Với những nỗ lực của hệ thống chính trị, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đến hết nửa năm nay, kinh tế 6 tháng có những chuyển biến rõ rệt. Đặc biệt, trong nửa đầu năm, đã có 113.600 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại thị trường, tương đương trung bình 19.000 doanh nghiệp/tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với khoảng 100.000 doanh nghiệp, tương đương bình quân 16.600 doanh nghiệp/tháng, giảm so với bình quân 5 tháng và 4 tháng đầu năm.

Đặc biệt, nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực này. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021. Điểm sáng khu vực dịch vụ là tăng trưởng của lĩnh vực du lịch với lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước. Du lịch Việt Nam đã đạt được 70% của mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Tháng 7/2023 là tháng thứ hai liên tiếp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước cả về tỷ lệ và số vốn giải ngân. Khi giải ngân đầu tư công tích cực hơn, sẽ hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, mà cả dài hạn.

Không chỉ các chuyên gia kinh tế, mà Chính phủ cũng rất thấu hiểu những thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2023. Bởi thế, các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho nền kinh tế liên tục được thực hiện.

Ngay trước phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. “Một hoặc hai hội nghị không thể giải quyết được hết tất cả những vấn đề đặt ra, trong đó những vấn đề đã kéo dài hàng chục năm không thể xử lý trong một sớm một chiều. Song tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó giải quyết…” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhiều lần nhấn mạnh việc quyết liệt thực hiện các giải pháp, đặc biệt là chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng để tăng tổng cung và tổng cầu; cũng như tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi báo cáo Chính phủ đã đề xuất một loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi nhanh tăng trưởng” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Một điểm đáng chú ý, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ lần này, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước, nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công), xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lần đầu tiên nhấn mạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Phải tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng hydrogen...” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tạo động lực tăng trưởng mới

Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Một trong những hướng đi là chủ động tiếp cận cơ hội từ kỹ thuật số và thương mại điện tử cho tăng trưởng kinh tế. Dịch COVID-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với kỹ thuật số mạnh mẽ hơn.

Trên các diễn đàn về chuyển đổi số được tổ chức gần đây, bài học thành công của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp có thêm niềm tin để triển khai chiến lược chuyển đổi số, tạo ra động năng mới cho chặng đường phát triển phía trước.Từng có giai đoạn sản phẩm khó cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm chỉ đạt từ khoảng 8 đến 10% nhưng ba năm trở lại đây Rạng Đông đã bứt phá lên “mặt bằng” tăng trưởng mới nhờ kiên định con đường chuyển đổi số.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong các năm 2021, 2022, tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam đạt 11,91% và 14,26% GDP. Ước tính sơ bộ sáu tháng đầu năm 2023, con số này đã tăng lên khoảng 14,96%, kinh tế số được thúc đẩy sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Dư địa cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới cũng đến từ các hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính sơ bộ, tỷ trọng kinh tế số/GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%. Nếu kinh tế số được thúc đẩy, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thông tin đáng mừng là cuối tháng 10/2023, dự kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Ngay từ khi kế hoạch triển khai NIC được bắt đầu vào năm 2019, nhiều quan điểm cho rằng, đấy chính là một cú hích quan trọng và là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam nhảy vọt, trở thành một nền kinh tế ngàn tỷ USD. Dù đó là một triển vọng mang tính dài hơi, song sự kiện khánh thành NIC cũng sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, kể cả trong ngắn hạn.

Việc nhiều hãng công nghệ, doanh nghiệp lớn như Meta, Google, Samsung, SK, Siemens, VISA và các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã xác nhận kế hoạch tham dự VIIE 2023 với các hoạt động cam kết đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam mở ra kỳ vọng về bước phát triển mạnh mẽ hơn của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, kinh tế số Việt Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025 và tăng trưởng nóng nhất trong lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ.

Tại báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề Cải thiện năng suất lao động (NSLĐ) trong bối cảnh kinh tế số do trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố mới đây cũng chỉ rõ: Kinh tế số sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức NSLĐ trong tổng thể nền kinh tế, từ đó kinh tế có đạt được phát triển bền vững và đồng thời chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.

Theo GS. TS Trần Thọ Đạt, tuy có sự tăng trưởng về quy mô kinh tế số nhưng mức độ sẵn sàng cho số hóa của Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình, xếp thứ 70/141 quốc gia, có khoảng cách khá xa so với Malaysia (đứng thứ 38) và Thái Lan (đứng thứ 55). Để tăng tốc phát triển kinh tế số, Việt Nam cần có chiến lược khung làm nền tảng cho các định hướng và hành lang pháp lý, thể chế cho việc chuyển đổi số. Đồng thời tạo điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn dành cho đầu tư số hóa nền kinh tế, cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số.

Theo Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển kinh tế số của Việt Nam về cơ bản thể hiện sự nhất quán với kinh nghiệm quốc tế.

Đó là, hành lang chính sách phát triển kinh tế số được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ và khu vực kinh tế Nhà nước giữ vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.

TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng phát triển kinh tế số phải được triển khai nhanh và quyết liệt ngay từ thời điểm này. Chuyển đổi số cần phải rộng khắp và bao trùm từ khu vực nhà nước đến tư nhân mới có thể thực sự tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế. Phát triển kinh tế số cần phải bao trùm để mọi người dân được hưởng thành quả của kinh tế số, không một ai bị bỏ lại phía sau.

Khánh An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thuc-day-dong-luc-tang-truong-moi-cho-kinh-te-viet-nam-phat-trien-ben-vung-post262409.html