Thúc đẩy đồng tiền chung khu vực Tây Phi
Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vừa công bố mục tiêu hướng đến năm 2020 đưa đồng tiền chung 'ECO' vào lưu thông. Với sáng kiến này, các nhà lãnh đạo ECOWAS kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực và trao đổi thương mại qua biên giới.
Thông báo về kế hoạch đưa đồng tiền chung “ECO” vào lưu thông được đưa ra sau khi Hội nghị cấp cao ECOWAS kết thúc tại thủ đô Abuja của Nigeria. ECOWAS khẳng định, đồng tiền chung “ECO” sẽ dựa trên cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt và khung chính sách tiền tệ chú trọng vào mục tiêu về lạm phát. Cũng theo ECOWAS, cách tiếp cận dần với đồng tiền chung sẽ bắt đầu từ những nước hội đủ các tiêu chí mà tổ chức này đề ra.
ECOWAS được thành lập năm 1975, gồm 15 quốc gia với tổng dân số khoảng 300 triệu người, hiện sử dụng các loại tiền tệ khác nhau. Với tổng số dân khoảng 155 triệu người, tám nước ECOWAS và là các thành viên Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (WAEMU), gồm: Benin, Bur, Bờ Biển Ngà, Guiné-Bissau, Mali, Niger, Senegal và Togo, đang cùng sử dụng các đồng Franc CFA và ơ-rô. Còn lại bảy quốc gia trong ECOWAS sử dụng các đồng nội tệ. Theo các nhà kinh tế học, đồng Franc CFA quá mạnh đối với các nước có nền kinh tế yếu như các nước Tây Phi.
Công bố kế hoạch đưa đồng tiền chung “ECO” vào lưu thông trong năm 2020, ECOWAS nhấn mạnh, các nước thành viên sẽ nỗ lực thực thi cải cách cơ cấu và chính sách phù hợp, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và sự chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. ECOWAS sẽ hợp tác với Cơ quan tiền tệ Tây Phi (WAMA), Viện tiền tệ Tây Phi (WAMI) và các ngân hàng trung ương để đẩy nhanh lộ trình mới cho loại tiền thương mại duy nhất.
Ý tưởng tạo ra một đồng tiền chung cho khu vực Tây Phi được các lãnh đạo quốc gia ECOWAS lần đầu thảo luận cách đây gần 30 năm, song đề xuất các tiêu chí hội tụ mà ECOWAS đặt ra dường như lại là nguyên nhân chính khiến các nước trong khối gặp khó trong quyết định cuối cùng. ECOWAS yêu cầu các quốc gia phải duy trì mức lạm phát dưới 5%, một nhiệm vụ không dễ dàng. Tại Ga-na, từ năm 2000 đến năm 2016, lạm phát trung bình hằng năm là 16,92%. Trong khi đó, nền kinh tế lớn trong khu vực là Nigeria ghi nhận mức lạm phát trung bình 11,92% trong giai đoạn 2003 - 2016.
“ECO” được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực Tây Phi và cải thiện thương mại xuyên biên giới. Theo nhà phân tích kinh tế T.Afikuyomi, người dân các quốc gia Tây Phi có thể sử dụng đồng “ECO” tại các nước khác nhau mà không phải lo lắng về chi phí tỷ giá hối đoái. “Đồng tiền chung sẽ giúp cải thiện thương mại của khối, cho phép nhiều quốc gia tập trung sản xuất các mặt hàng có thế mạnh và trao đổi hàng hóa mà các quốc gia khác sản xuất hiệu quả hơn”, nhà kinh tế T.Afikuyomi phân tích.
Tây Phi đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa đồng “ECO” vào lưu thông, song các nhà phân tích vẫn lo lắng về việc thiếu chính sách hội nhập giữa các quốc gia thành viên trong khu vực. Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) từng kêu gọi châu Phi thúc đẩy hội nhập và đa dạng hóa các nền kinh tế nếu muốn thành lập đồng tiền chung của châu lục.
Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) nhận định, thời hạn năm 2020 cho một loại tiền tệ chung của khu vực Tây Phi có thể bị hoãn, trừ khi khu vực này liên kết thành công các chính sách tài chính và tiền tệ. Để hướng đến mục tiêu tạo ra đồng tiền chung của toàn châu lục, dự án thành lập đồng tiền chung ở Tây Phi có ý nghĩa rất quan trọng.