Thúc đẩy dùng các công cụ số để lan tỏa kiến thức y khoa đến cộng đồng
'Khi một bác sĩ có khả năng truyền cảm hứng, họ có thể tác động tích cực đến hàng nghìn người, khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, từ đó giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho xã hội'.
Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phối hợp với Đại học RMIT Việt Nam triển khai chuỗi hội thảo nâng cao kỹ năng truyền thông cho chuyên gia y tế, giúp họ lan tỏa kiến thức y khoa đích thực đến cộng đồng.
Chuỗi hội thảo "Key Medical Opinion Leaders - Xây dựng và phát triển kỹ năng truyền thông dành cho chuyên gia y tế tạo ảnh hưởng xã hội" diễn ra trong 10 buổi, từ tháng 7 đến tháng 10/2024 tại TPHCM.
Chương trình thu hút hàng nghìn lượt đăng ký tham gia và quy tụ các diễn giả từ Đại học RMIT Việt Nam, Học viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM.
Sáng kiến này hướng tới cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế quan tâm đến việc dùng các công cụ số để kiến tạo ảnh hưởng, giúp họ có thể chủ động trong hoạt động này.
Theo ban tổ chức, các thông tin thiếu khoa học, sai lệch và độc hại trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều, nên giờ đây người trong ngành Y tế cần chủ động lan tỏa tri thức và giá trị y khoa đích thực đến cộng đồng.
Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương, Trưởng Trung tâm Truyền thông, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nhận định: "Người làm trong ngành Y không chỉ cứu người chữa bệnh mà còn có trách nhiệm định hướng, nâng cao nhận thức về phòng ngừa bệnh tật và lối sống lành mạnh. Khi một bác sĩ có khả năng truyền cảm hứng, họ có thể tác động tích cực đến hàng nghìn người, khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, từ đó giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho xã hội".
Để làm được điều đó, một yêu cầu thiết yếu là nâng cao kỹ năng truyền thông và khả năng tạo ảnh hưởng của các chuyên gia y tế. Đồng thời, bộ phận truyền thông của các cơ sở y tế cũng cần vận hành bài bản.
Chuỗi 10 buổi hội thảo bao quát nhiều khía cạnh, từ tổng quan về chuyển đổi số trong y tế, đến các phương thức củng cố sức mạnh truyền thông thông qua quan hệ công chúng, truyền thông nội bộ, giải quyết khủng hoảng truyền thông y tế.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, Phó chủ nhiệm bộ môn Truyền thông chuyên nghiệp tại Đại học RMIT Việt Nam, truyền thông không chỉ hiểu đơn thuần là quảng cáo dịch vụ mà là bồi đắp hiểu biết lẫn nhau.
Ông Long lấy ví dụ, truyền thông công chúng cần cập nhật công việc của bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, nhân viên hỗ trợ, để khai thác thông tin khô khan thường nhật, biến chúng thành những câu chuyện y tế và đăng tải một cách kịp thời, chính xác.
"Song song với đó, cần tăng cường truyền thông nội bộ để cập nhật quy trình, tiêu chuẩn nghiệp vụ, các câu chuyện bên lề nhằm tăng chất lượng khám chữa bệnh, mang lại niềm vui trong công việc. Truyền thông cũng cần sẵn sàng xử lý khủng hoảng có thể xảy ra", tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long nói.
Trong chuỗi hội thảo, các chuyên gia đến từ chương trình Cử nhân Digital Marketing Đại học RMIT chia sẻ về cách định vị và xây dựng thương hiệu trong ngành y tế, tối ưu hóa điểm chạm và nội dung trên các kênh truyền thông kỹ thuật số, cũng như cách sáng tạo và triển khai nội dung số về y tế.
Bên cạnh đó, các diễn giả đến từ Học viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM đi sâu vào ứng dụng nghệ thuật kể chuyện để truyền tải kiến thức y khoa hiệu quả, ứng dụng công nghệ AI trong sáng tạo nội dung y tế, cách sử dụng thiết bị thông minh để quay phim, chụp ảnh nhằm sáng tạo nội dung số.
Tiến sĩ Hoàng Ái Phương, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Digital Marketing tại Đại học RMIT, nhận định: "Nhiều gia đình Việt khi có người bệnh thường hỏi nhau: Để nhớ xem có quen ai là bác sĩ để hỏi thăm không? Việc các bác sĩ chia sẻ kiến thức đã trở thành nét văn hóa quen thuộc. Người dân cần thông tin và các bác sĩ luôn sẵn lòng hỗ trợ".
"Với vai trò hỗ trợ chuyên môn cho hội thảo, chúng tôi mong muốn đóng góp giúp cán bộ, nhân viên y tế tự tin hơn trong việc sử dụng công cụ số, kết nối cộng đồng và chia sẻ kiến thức, khi đất nước đang chuyển mình thành quốc gia số", bà Ái Phương cho hay.