Thúc đẩy gắn kết kinh tế ASEAN

Sau khi dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế, việc phục hồi kinh tế đang được tập trung hàng đầu. Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy thị trường nội địa, việc thúc đẩy các thị trường nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực ASEAN chính là nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Toàn cảnh diễn đàn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Toàn cảnh diễn đàn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hướng tới Kỷ niệm 53 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (1967 – 2020), 25 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Chương trình “Diễn đàn về Kinh tế ASEAN, Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN” ngày 25/6.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng chương trình hành động để khẳng định vị trí, vai trò và uy tín của mình. Với tinh thần chủ đạo “ASEAN: Gắn kết và Chủ động thích ứng” các hoạt động dự kiến sẽ diễn ra hết sức sôi nổi.

Một trong những chủ đề hiện thực hóa tinh thần “Gắn kết” là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới, tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới.

Trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế ASEAN, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng: “Các quốc gia ASEAN có nhiều lợi thế chung, chúng ta đã và đang là một cộng đồng có uy tín trên phạm vi quốc tế; nền kinh tế của các quốc gia ASEAN tương đối phát triển, các Chính phủ về cơ bản khống chế tốt tình hình dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân; chúng ta cần trao đổi sâu sắc hơn và học hỏi lẫn nhau những bài học kinh nghiệm về hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta cần kiến nghị lên các Chính phủ các hỗ trợ cần thiết, có tính chất đồng bộ trong nội khối để đầu tiên là thúc đẩy sự hoạt động bình thường trong nội khối và từ đó tiếp nối, duy trì các thị trường quốc tế khác”.

Các doanh nhân tiêu biểu tham dự diễn đàn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Các doanh nhân tiêu biểu tham dự diễn đàn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Tô Hoài Nam cũng nêu rõ về hai lĩnh vực thế mạnh của các nước ASEAN, đó là sản phẩm nông sản miền nhiệt đới và du lịch.

Về sản phẩm nông sản nhiệt đới, bên cạnh các thị trường truyền thống của mỗi nước, bản thân thị trường các nước ASEAN với nhau cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hành ở hầu hết các quốc gia ASEAN, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của miền nhiệt đới sẽ được thúc đẩy tìm đến các thị trường mới.

Riêng về thị trường du lịch, đây là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong khi đó theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đóng góp tới 13% GDP của khu vực Ðông Nam Á năm 2018, cao thứ hai chỉ sau khu vực Caribbe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu khu vực trong năm 2018.

Với tầm quan trọng như vậy, việc các nước ASEAN phối hợp hành động để từng bước mở cửa lại thị trường du lịch sẽ có tác động rất lớn đến sự phục hồi của thị trường tại từng nước ASEAN cũng như thị trường khu vực và đón đầu sự phục hồi của thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dịch vụ các sản phẩm du lịch phần nhiều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các doanh nghiệp lớn với vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để cùng vượt qua khó khăn.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về các vấn đề: Tổng quan về nền kinh tế ASEAN hiện nay và Việt Nam sau 25 năm gia nhập; cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN; vai trò của chuyển đổi số với các doanh nghiệp ASEAN, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đỗ Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/thuc-day-gan-ket-kinh-te-asean/398887.vgp