Thúc đẩy giải ngân đầu tư công - Chuyện không chỉ của cuối năm

Cách đây ít ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nghiêm khắc kiểm điểm và tự nhận hạ một bậc thi đua, không nhận xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.

Lý do theo ông là bắt nguồn từ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM trong cả năm 2022 chỉ đạt 68% so với chỉ tiêu đề ra. Điều này một lần nữa cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương giải ngân vốn đầu tư công và cần có những cách làm mới trong vấn đề này.

Tại hội nghị tổng kết tình hình kinh tế xã hội tháng 1 và triển khai nhiệm vụ tháng 2/2023 diễn ra cách đây ít ngày, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết, kết thúc niên độ năm 2022, TP.HCM chỉ giải ngân được khoảng 68% chỉ tiêu vốn đầu tư công, tương đương với khoảng 25.500 tỷ đồng. Con số này tuy có cao hơn năm 2021 hơn 5700 tỷ đồng nhưng vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch đề ra từ đầu năm là 95% trong tổng số hơn 37.000 tỷ đồng được giao.

Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết thêm, tình trạng giải ngân đầu tư công không đạt diễn ra ở hầu hết các đơn vị được giao vốn lớn như Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, Ban quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và một số địa phương … Đáng chú ý, có một số chủ đầu tư giải ngân 0 đồng trong suốt năm 2022.

Có thể thấy việc người đứng đầu chính quyền TPHCM chủ động tự phê bình và nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là điều khá mới mẻ. Tuy vậy, việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công không chỉ dừng ở đó mà cần có nhiều cách làm mới, tư duy mới của cả hệ thống chính trị.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Câu chuyện về tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công từ lâu đã không phải là điều gì quá mới mẻ. Dù luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phát triển kinh tế- xã hội song công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua lại có dấu hiệu đi vào lối mòn với điệp khúc “èo uột, ảm đảm đầu năm, ồn ào, tấp nập vào cuối năm”.

Đáng tiếc thay, điệp khúc này một lần nữa đã khiến TP.HCM cùng một số bộ ngành, địa phương khác đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Việc chủ tịch UBND TP.HCM nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm vai trò người đứng đầu và tự xin hạ bậc thi đua vì chưa hoàn thành nhiệm vụ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có thể được xem là một điểm sáng trong đời sống chính trị nước ta. Việc này sẽ tạo ra một tiền lệ cần thiết về ý thức tự giác, lòng tự trọng của đội ngũ cán bộ công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng trong thời gian tới.

Với những gì đã diễn ra trong năm 2022 cùng với chỉ tiêu được giao xấp xỉ 10% tổng mức đầu tư của cả nước trong năm nay thì không khó để nhận ra TP.HCM còn quá nhiều việc cần làm và phải làm ngay từ đầu năm nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ.

Đầu tiên là siết chặt kỷ cương trong quản lý điều hành, nỗ lực hơn trong cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác phối kết hợp giữa các đơn vị để nâng cao hiệu quả trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rút ngắn thủ tục đầu tư, tiến tới đẩy nhanh tiến độ dự án, nâng cao hiệu quả giải ngân nhưng không được bỏ qua yếu tố chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, từ tiền lệ của Chủ tịch UBND TP.HCM thì cần định tính, định lượng công việc chi tiết cụ thể công khai đối với từng tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác giải ngân vốn. Việc này vừa giúp công tác giám sát của người dân được thuận lợi, vừa là cơ sở để thực hiện chủ trương “xử lý trách nhiệm người đứng đầu”.

Ở một khía cạnh khác, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu đề xuất một cơ chế đặc thù cho TP.HCM trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, qua đó tạo tiền đề hấp thu nhiều hơn nữa nguồn lực đầu tư từ xã hội, giúp địa phương này phát huy tốt hơn vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước.

Không chỉ vậy, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm kết luận số 14 của Bộ Chính Trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Việc này nếu làm tốt sẽ xua tan tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đã và đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ làm công tác giải ngân vốn.

Chỉ khi nào đẩy lùi được cách làm thụ động, quan liêu, cứng nhắc, thúc đẩy được tư duy sáng tạo, khuyến khích động viên kịp thời những cá nhân tổ chức dám nghĩ dám làm thì khi ấy công tác giải ngân vốn đầu tư công mới có cơ hội thoát khỏi lối mòn “èo uột đầu năm, tấp nập cuối năm”./.

Huy Hoàng/VOVGT

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/thuc-day-giai-ngan-dau-tu-cong-chuyen-khong-chi-cua-cuoi-nam-post1001088.vov