Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng

Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công.

Cùng với lực đẩy từ xuất khẩu và tiêu dùng, đầu tư công được xem là một trong những bánh xe quan trọng của “cỗ xe tam mã” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân nguồn vốn này trong những tháng đầu năm vẫn còn khá chậm.

Tình hình giải ngân tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, ước thanh toán từ đầu năm đến hết tháng 3 là hơn 66 nghìn tỷ đồng, đạt 11,7% kế hoạch. Đối với giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài chuyển sang năm 2021 là 5,2 nghìn tỷ đồng, đạt 9,43% kế hoạch. Riêng đối với nguồn vốn kế hoạch năm 2021, ước đến hết tháng 3 giải ngân đạt hơn 60,7 nghìn tỷ đồng, bằng 11,95% kế hoạch.

Đầu tư công được đánh giá là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Đầu tư công được đánh giá là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đạt dưới 10%.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước 3 tháng đầu năm 2021 khá thấp, chưa đạt yêu cầu chủ yếu do trong 3 tháng đầu năm các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ thanh toán, giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2020 và làm thủ tục kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 sang năm 2021.

Cùng với đó, tháng 2/2021 trùng với kỳ nghỉ dịp Tết Nguyên đán và dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công; đồng thời, thách thức lớn nhất hiện nay là giải ngân vốn nước ngoài đạt 0,66% kế hoạch (gần như chưa giải ngân), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (4,99%).

Gỡ những nút thắt làm chậm giải ngân vốn đầu tư công

Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp: đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; đồng thời, thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần đặc biệt quan tâm, chú ý và chịu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của các dự án đầu tư từ tất cả các nguồn vốn, trong đó có các dự án đầu tư công.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm là giải phóng mặt bằng. Hiện việc này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù, khó khăn trong di dời các công trình tiện ích... Hơn nữa, cũng có tình trạng chủ đầu tư chưa kiên quyết trong việc đôn đốc nhà thầu triển khai thi công dẫn đến công việc còn trì trệ; các tháng đầu năm chưa giải ngân được nhiều.

Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án,... Các lý do này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA. Hoạt động giải ngân do đó cũng ngưng trệ do không có khối lượng hoặc nếu có khối lượng thì cũng chậm được xác nhận, ông Lê Anh Tuấn đánh giá.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, đầu tư công rất quan trọng trong thời điểm hiện tại khi nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh cần phải tạo mọi điều kiện để nhanh chóng giải ngân vốn đầu tư công.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm toàn diện về giải ngân vốn đầu tư công

Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ về Phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn nhân sự tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ khẩn trương xử lý, giải quyết ngay công việc, bảo đảm liên tục, thông suốt.

Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu người đứng đầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, xác định rõ khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật và tránh sai phạm./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuc-day-giai-ngan-dau-tu-cong-tao-dong-luc-cho-tang-truong-850659.vov