Thúc đẩy giải quyết việc làm cho người lao động
Giải quyết việc làm nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Những năm gần đây, công tác này nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Theo đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đến nay, chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) không phải là giải pháp việc làm mới. Sau khi những tồn tại và nút thắt đã được tháo gỡ, XKLĐ được tỉnh lựa chọn ưu tiên và xác định là kênh giảm nghèo quan trọng, hiệu quả, không chỉ tạo thu nhập "đột phá” mà còn tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc lao động làm việc ngoài nước được tiếp thu trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Hàng năm, tỉnh giới thiệu trên 30 doanh nghiệp (DN), nhà tuyển dụng có uy tín, kinh nghiệm hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về các địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động. Nhiều chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác lâu dài giữa tỉnh với các DN hoạt động XKLĐ được thực hiện. Tỉnh cũng hỗ trợ, dành điều kiện tốt nhất cho các DN như: có kế hoạch đẩy mạnh, xúc tiến các chương trình tư vấn sàn giao dịch; mở hội nghị triển khai Luật Việc làm và nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; giới thiệu, kết nối DN với chính quyền địa phương.
Đặc biệt, từ ngày 9/12/2022, Nghị quyết số 216/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ vay vốn đối với NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023 - 2026 chính thức đi vào cuộc sống. Đối tượng hỗ trợ là NLĐ thường trú trên địa bàn tỉnh từ đủ 6 tháng trở lên, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh. Về chính sách hỗ trợ, NLĐ được vay vốn ưu đãi lãi suất với mức vay tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động. Chương trình đang được xúc tiến triển khai, dự kiến trong quý IV/2023 sẽ đưa những lao động đầu tiên xuất cảnh sang làm việc thời vụ tại thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc).
Bên cạnh đó, Trung tâm DVVL tỉnh phối hợp các địa phương, DN tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn, tọa đàm và định hướng nghề nghiệp tại các xã, phường, thị trấn, các trường cao đẳng, THPT. Trong năm 2022, tỉnh tổ chức ngày hội việc làm thu hút trên 50 đơn vị, DN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hơn 1.000 lao động của 10 huyện, thành phố tham gia. Từ năm 2021 đến nay, gần 22.000 NLĐ, học sinh, sinh viên trên địa bàn được tư vấn, giới thiệu việc làm, tổng số có gần 1.400 người được DN tuyển dụng. Hàng năm, thông qua các chương trình phát triển KT-XH, thu hút đầu tư, XKLĐ, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 18.000 lao động. Năm 2022, có gần 19.800 lao động trong tỉnh được tạo việc làm, đạt 124% kế hoạch, trong đó, 720 lao động được tuyển đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 240% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt 59,23%, trong đó, 23,81% lao động có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm còn 55%; tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm còn dưới 2,3%. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm trong nước cho 7.200 người, đạt 45% kế hoạch, XKLĐ 273 người, đạt 91% kế hoạch năm.
Mới đây, Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ các DN dịch vụ đưa NLĐ của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, những kinh nghiệm quý trong thực hiện hiệu quả công tác XKLĐ ở các tỉnh, một số khó khăn, vướng mắc của các DN dịch vụ khi tuyển dụng lao động tại tỉnh được chia sẻ, trao đổi. Trên cơ sở nắm bắt thông tin, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, NHCSXH tỉnh đã giải đáp tình hình vốn vay, tuyên truyền chính sách, đồng thời khẳng định sự đồng hành với các DN, phối hợp tích cực cùng giải quyết khó khăn cản trở hoạt động của DN vì sự phát triển KT-XH của địa phương.
Cũng theo đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo, tỉnh tập trung giải quyết các vấn đề còn hạn chế của công tác lao động, việc làm như: thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển KT-XH, thích ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả, bền vững dẫn đến còn thiếu, thừa lao động, làm việc không đúng ngành nghề; thiếu nguồn lao động có kỹ năng nghề… Đối với đột phá về chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực, tỉnh chú trọng gắn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với giải quyết việc làm cho NLĐ thông qua thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về đào tạo. Mặt khác, thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển lao động của tỉnh; lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các dự án, mô hình giảm nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, lồng ghép các nguồn lực để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.