Thúc đẩy giải quyết việc làm trong và ngoài nước
Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm là 1 trong 4 nhiệm vụ chiến lược của tỉnh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động (NLĐ), góp phần tăng năng suất lao động, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm là 1 trong 4 nhiệm vụ chiến lược của tỉnh nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) nhanh, bền vững. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động (NLĐ), góp phần tăng năng suất lao động, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.

Thực hiện chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, huyện Đà Bắc có 29 lao động
trúng tuyển làm việc tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam. Ảnh: Lãnh đạo Sở Nội vụ, UBND huyện Đà Bắc động viên người lao động trước khi xuất cảnh.
Tăng cường kết nối lao động - việc làm
Với trên 500.000 người đang trong độ tuổi lao động, cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Hàng năm, tỉnh có trên 10.000 người bước vào độ tuổi lao động, chưa kể lao động muốn chuyển đổi công việc, tìm kiếm việc làm mới. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn khoảng 4.000 người, còn lại phải tự tạo việc làm hoặc đi làm việc ở các tỉnh khác. Số lao động đi làm việc ngoài tỉnh khoảng 9.000 - 10.000 người mỗi năm.
Thời gian qua, với nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, công tác giải quyết việc làm của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Riêng năm 2024, toàn tỉnh tạo việc làm và việc làm mới cho trên 21.100 người. Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Hoạt động kết nối việc làm và lao động là một trong những giải pháp quan trọng. Tỉnh đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh tuyển dụng lao động, tích cực phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và thông tin, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân tham gia thị trường lao động.
Nhờ nguồn lực tăng cường từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các huyện, thành phố đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm lưu động, ngày hội việc làm mỗi năm. Từ đó, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tuyển dụng cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm trực tiếp đến NLĐ. Mặt khác, NLĐ thuận lợi trong tiếp cận, lựa chọn công việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực của bản thân.
Đáng chú ý trong năm 2024, tỉnh đã phối hợp cung ứng lao động, giới thiệu việc làm với các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp trong cả nước. Nổi bật là chương trình xúc tiến thu hút lao động làm việc tại các doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh triển khai các hoạt động giao dịch việc làm phong phú, linh hoạt như: sàn giao dịch việc làm trực tuyến, hội nghị tư vấn, tuyên truyền tại các cụm xã, trung tâm huyện. Tỉnh cũng thường niên tổ chức Ngày hội việc làm thu hút hàng nghìn NLĐ từ các địa phương, học sinh, sinh viên các trường nghề tham gia.
Qua thống kê của Phòng Lao động - Việc làm (Sở Nội vụ), giai đoạn 2001 - 2025, tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ, giới thiệu hơn 200 lượt doanh nghiệp về các địa phương tuyển dụng lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp trong nước, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương, tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ vay vốn chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn của chương trình để hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ngoài ra, các chính sách bảo hiểm thất nghiệp giúp NLĐ tìm kiếm việc làm, đào tạo nâng cao tay nghề, nhanh chóng quay lại thị trường lao động cũng phát huy tác dụng triệt để. Đến nay, tỷ lệ lao động trong nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp giảm còn dưới 51%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2,0%.
Hướng mạnh đến thị trường việc làm ngoài nước
Với cơ hội rộng mở, môi trường an toàn, có phúc lợi tốt, thu nhập cao, việc làm ngoài nước đang là thị trường được nhiều người lao động quan tâm với mong muốn nâng cao điều kiện kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đặc biệt, để NLĐ, nhất là lao động nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia thị trường việc làm ngoài nước, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, nhiều chính sách hỗ trợ được tỉnh triển khai, thực hiện, trọng tâm là hỗ trợ NLĐ tiếp cận nguồn vốn vay đi xuất khẩu lao động. Điểm nhấn trong thực hiện công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động là ngày 9/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 216 quy định chính sách hỗ trợ vay vốn cho NLĐ tỉnh Hòa Bình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2023 - 2026. Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 165, ngày 17/4/2023 thực hiện Chỉ thị số 20, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Đồng thời, tỉnh nhanh chóng triển khai thực hiện Quyết định số 16, ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện hỗ trợ cho vay ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép làm việc cho NLĐ nước ngoài của Hàn Quốc. Đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực và tuyển dụng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 251 trường hợp thì đến năm 2024, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng xấp xỉ 4 lần, chạm mốc 1.000 người. Mới đây, 29 lao động của huyện Đà Bắc đã trúng tuyển và xuất cảnh sang làm việc thời vụ tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam, Hàn Quốc, tạo bước khởi đầu tốt đẹp của chương trình thỏa thuận hợp tác giữa 2 tỉnh. Các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm ngoài nước đến NLĐ, trọng tâm là thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Đức… Dự kiến 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh có trên 520 người tham gia thị trường xuất khẩu lao động.
Những vấn đề đặt ra
Có thực tế là hiện nay, việc chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh còn chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển KT-XH, chưa thích ứng đầy đủ với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế. Cùng với đó, tình hình cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả, bền vững, dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng (còn thiếu - thừa lao động, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo…). Mặt khác, tỉnh thiếu nguồn lao động có kỹ năng tay nghề phục vụ phát triển KT-XH và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp, đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp, làm các công việc giản đơn, thu nhập thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Nhiều lao động trẻ có trình độ, tay nghề thường đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động có trình độ tại địa phương. Theo đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trước hết, tỉnh cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đổi mới hình thức đào tạo. Tiếp tục thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội toàn diện để NLĐ yên tâm làm việc, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống. Triển khai đồng bộ các chính sách việc làm gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, quy hoạch KT-XH; dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn; tăng cường các hình thức tín dụng để phát triển việc làm; quan tâm hỗ trợ đối tượng yếu thế tham gia vào thị trường lao động. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đóng vai trò chủ đạo là đầu mối thông tin thị trường lao động, điều phối, nắm bắt nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tăng cường hỗ trợ, giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài về phối hợp, tuyển chọn lao động trên địa bàn. Trong đó, chú trọng đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của NLĐ, người sử dụng lao động và các chủ thể tham gia thị trường lao động; đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động.
Bùi Minh
Đẩy mạnh kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành liên quan, Trung tâm Dịch vụ việc làm chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh các lớp đào tạo nghề, các sàn giao dịch việc làm, hội nghị, tọa đàm, phiên tư vấn giới thiệu việc làm nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nói chung, thanh niên trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Theo kế hoạch, 6 tháng đầu năm 2025, trung tâm đẩy mạnh kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, phiên tư vấn, giới thiệu việc làm trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh đưa người lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trọng tâm là chương trình tuyển chọn lao động thời vụ đi làm việc tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc). Mặt khác, triển khai khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở rộng danh mục nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Đỗ Hồng Trường , Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ
Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiều cán bộ, hội viên Hội LHPN xã Vũ Bình đã chủ động, mạnh dạn vượt khó để tự tạo việc làm, việc làm bền vững.
Ở các chi hội đều xuất hiện các mô hình, điển hình hội viên phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế, như cơ sở sản xuất may thú nhồi bông ở xóm Át tạo việc làm cho 40 lao động nữ tại địa phương; cửa hàng kinh doanh thương mại điện tử, điện lạnh dân dụng của hội viên phố Lâm Hóa; tổ sản xuất rau an toàn cung cấp rau sạch cho các chợ và trường học của chi hội xóm Sơ với 7 thành viên… Đặc biệt, một số chi hội như xóm Cài, xóm Sơ tích cực tuyên truyền, vận động chị em và con em tham gia chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần vào kết quả nổi bật trong công tác xuất khẩu lao động của địa phương.
Cũng từ đây, năng lực của chị em được nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần cải thiện rõ rệt, khoảng cách giới được thu hẹp, xây dựng hình ảnh phụ nữ thời đại mới có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Bình (Lạc Sơn)
Xuất khẩu lao động để sớm thoát nghèo
Là nông dân ở vùng sâu, vùng xa, trình độ văn hóa còn hạn chế, công việc chủ yếu là lao động tự do, tôi được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ và may mắn là 1 trong 29 lao động của huyện Đà Bắc trúng tuyển chương trình đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Buyeo, tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc), đáp ứng nguyện vọng của bản thân.
Sau 1 tháng tham gia thị trường Hàn Quốc, chúng tôi tiếp cận và từng bước hòa nhập với cuộc sống, sinh hoạt ở đây. Điều kiện làm việc, nơi ăn chốn ở sạch sẽ, có việc làm đều đặn và được trả lương 38 triệu đồng/tháng. Ý thức được đây là cơ hội lớn để giảm được nghèo, tôi quyết tâm hoàn thành tốt hợp đồng đã ký, thực hiện đầy đủ quy định về quyền, nghĩa vụ với chủ sử dụng lao động, chấp hành quy định pháp luật về việc làm và cư trú của nước sở tại. Tôi cũng xác định việc tích cực làm việc, tuân thủ hợp đồng là cơ sở để được chủ sử dụng lao động tái tiến cử vào đợt đi lao động thời vụ tiếp theo, đồng thời có điều kiện học hỏi kỹ thuật sản xuất tiên tiến trong trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế nông sản để sau này áp dụng vào sản xuất tại quê hương.