Thúc đẩy GPMB dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực yêu cầu, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận phải bàn giao xong mặt bằng hành lang tuyến các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 từ cuối năm 2021.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận phải bàn giao xong mặt bằng hành lang tuyến các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 từ cuối năm 2021 để đảm bảo hoàn thành vào cuối năm 2022, để không phải mua lại nhà máy nhiệt điện này theo các cam kết đã ký. Qua thực tế tiến độ triển khai các dự án vẫn còn những điểm nút quan trọng đang vướng mắc, cho dù các dự án lưới điện liên kết này còn góp phần quan trọng giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo của địa phương.
Những ngày giữa tháng 6 nắng như đổ lửa, tình hình triển khai các dự án truyền tải điện thuộc Cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (bao gồm Dự án đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân; Dự án đường dây 500 kV đấu nối trạm 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân; Dự án trạm 500 kV Vân Phong và đầu nối) và một số dự án đường dây 220kV trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (như ĐZ 220kV Nha Trang-Tháp Chàm; DZ 220kV Krông Búk-Nha Trang; Trạm biến áp 220kV Cam Ranh) vẫn diễn ra khẩn trương nhằm kịp thời giải tỏa công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực lên lưới điện quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý các công trình Điện miền Trung (CPMB) đại diện chủ đầu tư Cụm công trình, dự án trọng điểm này cho biết: "Như hai ngày vừa rồi, chúng tôi đi làm việc các địa bàn của tỉnh Khánh Hòa đều cam kết là trong tháng 6 này thì gần như là dứt điểm, còn bên Ninh Thuận thì có thuận lợi hơn so với Khánh Hòa. Nhưng chúng tôi cũng sẽ tiếp tục đôn đốc hai địa phương còn lại còn vướng là Ninh Phước thì hiện tại đã kiểm xong niêm yết xong và giải quyết vướng mắc, và một ít của khu vực huyện Bác Ái nữa là chúng ta hoàn tất thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng..".
Chính quyền các địa phương đều cam kết bàn giao giải phòng mặt bằng (GPMB) phần móng trụ - chân cột điện trong tháng 6, nhưng phần hành lang tuyến để kéo được đường dây đấu nối các vị trí thì phải đến tháng 8/2022 mới có thể hoàn thành. Đó là chưa kể, mặc dù công tác GPMB đã xong, nhưng giai đoạn thi công lại phát sinh những vướng mắc… vẫn liên quan đến mặt bằng.
Điều mà theo các đơn vị tham gia dự án, đối với các công trình truyền tải điện quốc gia, phần thi công hành lang tuyến sau khi đã được bàn giao GPMB vẫn còn khá nhiều phức tạp, cần sự đồng thuận của người dân và phối hợp của chính quyền địa phương vùng dự án.
Ngày 17/6, thực tế tại vị trí cột 500kV số 39 thuộc Gói thầu số 5 của đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân trên địa bàn xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, ông Thân Minh Nguyên - PGĐ Chi nhánh Sông Đà 11.5 - đơn vị thi công gói thầu cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB phần móng trụ, song, để đưa khoảng 98 tấn thiết bị - chưa kể máy móc thi công để vào được vị trí này cho công nhân lắp đặt không hề dễ dàng.
Theo ông Nguyên: "Địa bàn ở đây cực kỳ phức tạp. Thứ nhất là 18 vị trí nằm trong khu rừng tự nhiên và rừng sản xuất; và qua cái đập của địa bàn - là đập của Công ty thủy lợi Hồ Tiên Du, đến lúc này là họ đã đánh công văn cấm không cho cán bộ, công nhân nhà thầu đi vào đường mà họ nói là của đập thủy lợi, phải chờ quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Cty Thủy lợi Ninh Hòa để cho cán bộ nhân viên được thi công tiếp cái điểm đầu.
Khó khăn thứ hai là 10 vị trí dưới đầm tôm thì nhà thầu đang thi công làm theo thủy triều; thủy triều lớn thì mình đưa vật tư thiết bị vào được, trong một ngày chỉ được khoảng 4 tiếng, còn lại khi nước xuống, tàu bè không đi được gây rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ chung của gói thầu…".
Đối với Đường dây 220kV đấu nối từ TBA 500kV Vân Phong đến TBA 220kV Vân Phong - có thể nói là điểm nút quan trọng, có yếu tố quyết định cho việc thành công của Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 cũng như tiến độ của toàn bộ dự án này, bởi trước khi NM nhiệt điện BOT Vân Phong1 hòa điện lên lưới quốc gia thì Nhà máy phải chạy thử trong vòng 3 tháng.
Nghĩa là cần phải có điện để thực hiện các thao tác chạy thử. Theo kế hoạch, tuyến đường dây này phải hoàn thành trong tháng 9. Mặc dù đã hoàn thành bàn giao 100% vị trí móng và gần 97% hành lang tuyến, công tác lắp dựng cột đạt hơn 80%, hiện chỉ còn 2 khoảng cột (từ cột số 17 đến cột số 22 dài 2,1 km trên địa bàn xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) nhưng lại là “đường găng” quyết định quá trình thi công có đảm bảo tiến độ hay không của toàn tuyến.
Kỹ sư Đoàn Thế Bình (Công ty CP đầu tư xây lắp HP) - chỉ huy trưởng công trường thi công tuyến đường dây 220kV đấu nối TBA 500kV Vân Phong cho biết và đề nghị: "Khoảng cột này là một trong những khoảng cột trọng điểm và khó trên toàn tuyến vì nó rất dài, gần 5km để kéo dây và có rất nhiều giao chéo, trong đó có giao chéo qua điểm đường dây 110kV, giao chéo qua 2 quốc lộ và tỉnh lộ cũng như khoảng 5-6 đường dây trung thế nên công tác thi công khoảng này rất khó khăn…
Rất mong chính quyền địa phương tiếp tục vận động cũng như các hộ dân thấu hiểu thông cảm để sớm bàn giao để thi công khoảng néo này để cho đảm bảo tiến độ...".
Chủ trì làm việc với Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) nhằm kịp thời giải tỏa công suất Nhà máy điện BOT Vân Phong 1 và tình hình triển khai các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chiều muộn ngày 17/6, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, cùng với giao thông thì điện cũng là một lĩnh vực mấu chốt cho phát triển kinh tế. Trong khi đó, các dự án này lại là các công trình trọng điểm của quốc gia nên càng phải quyết liệt để đảm bảo thời gian thi công, đảm bảo hiệu quả của các dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cam kết: "Về phía tỉnh, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà các đồng chí đặt ra là đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và các tuyến nhánh, cả đường dây 220kV đi Tuy Hòa, Krong-bông, lãnh đạo tỉnh sẽ phối hợp tốt với Tập đoàn để khẩn trương triển khai ngay… Công trình trọng điểm thì chúng ta phải quyết liệt để đảm bảo thời gian thi công và hiệu quả của dự án...".
Ông nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án với mốc đặt ra theo kế hoạch không chậm hơn tháng 12/2022. Tuy nhiên, để đạt được mốc tiến độ này thì công tác GPMB và sự ủng hộ của người dân, sự phối hợp, đồng hành của chính quyền địa phương trong suốt quá trình thi công trên tuyến là vô cùng quan trọng./.
Như chúng tôi đã thông tin, Cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 bao gồm Dự án đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân; Dự án đường dây 500 kV đấu nối trạm 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân; Dự án trạm 500 kV Vân Phong và đầu nối là những công trình cấp bách, Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 12/2022, đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận lên hệ thống điện quốc gia.
Nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường cho chủ đầu tư NM Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 số tiền 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng). Nếu dự án truyền tải trên chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.