Thúc đẩy hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong doanh nghiệp (kỳ 2)

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ chuyển đổi công nghệ hết sức nhanh chóng đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực đầu tư đổi mới đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp của tỉnh hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính còn khó khăn... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

(Tiếp theo và hết)

Trong cách mạng công nghiệp 4.0, tốc độ chuyển đổi công nghệ hết sức nhanh chóng đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực đầu tư đổi mới đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp của tỉnh hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính còn khó khăn, dẫn đến hoạt động đổi mới công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất.

Các doanh nghiệp tỉnh tìm hiểu, ký kết hợp đồng mua sắm thiết bị máy móc hiện đại tại sự kiện kết nối nguồn cung cầu công nghệ do Sở KH và CN tổ chức.

II. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất

Sở Công Thương phối hợp với các ngành liên quan bám sát nhiệm vụ, định hướng phát triển kinh tế của địa phương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong hai lĩnh vực sản xuất cơ khí và chế biến nông sản có điều kiện, động lực đầu tư đổi mới nâng cao công nghệ, hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn để tập trung hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến các mặt hàng mang thương hiệu sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh bằng công nghệ chế biến tiên tiến, có khả năng cạnh tranh cao và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản tại chỗ cho người nông dân. Đến nay tỉnh ta đã xây dựng và phát triển được 28 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gồm: 10 chuỗi thủy sản, 9 chuỗi sản phẩm trồng trọt, 3 chuỗi sản xuất, chế biến các loại muối, 6 chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi. Các chuỗi tiêu biểu: Chuỗi liên kết sản xuất gạo sạch chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với quy mô trên 1.000ha; chuỗi liên kết sản xuất lúa giống và gạo Japonica (Nhật Bản) của Công ty TNHH Cường Tân với quy mô trên 500ha; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lợn sữa, lợn choai xuất khẩu của Công ty TNHH Công Doanh công suất 2.000 con/ngày; chuỗi sản xuất chế biến ngao sạch xuất khẩu của Tập đoàn Lenger… Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngành, các địa phương đã tập trung triển khai một số chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ sản xuất sát với nhu cầu của các cơ sở, doanh nghiệp và định hướng phát triển ngành nghề của địa phương. Đã triển khai hỗ trợ kinh phí mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện Dự án phát triển ngành nghề nông thôn theo tinh thần Quyết định 21/2020/QĐ-UBND ngày 23-6-2020 của UBND tỉnh; hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản và muối để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu sản xuất sản phẩm đạt quy chuẩn an toàn chất lượng đồng bộ theo Quyết định số 1931/QĐ-UBND ngày 5-8-2020 của UBND tỉnh với tổng kinh phí 3 tỷ 280 triệu đồng...

Sở KH và CN đã triển khai dự án xây dựng Sàn giao dịch công nghệ với 2 phương thức: trực tuyến và thực tế. Sàn giao dịch công nghệ online, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký gian hàng thương mại điện tử để công bố chất lượng các sản phẩm thiết bị công nghệ của mình, thông tin nhu cầu mua, bán thiết bị, công nghệ. Sàn giao dịch công nghệ thực đặt tại Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ (Sở KH và CN) đã có sự tham gia của hơn 10 doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm thiết bị, công nghệ, khách hàng trực tiếp tham quan, giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị. Tháng 9 vừa qua, Sở KH và CN tổ chức sự kiện kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị sản xuất nông nghiệp và cơ khí chế tạo. Sự kiện đã tạo cơ hội cho 8 doanh nghiệp Nhật Bản có 100% vốn FDI đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và trên 70 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trực tiếp tiếp cận, nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng, chuyển giao công nghệ, nhu cầu mua sắm thiết bị, công nghệ. Sở KH và CN đã định hướng để các doanh nghiệp chú trọng đến việc trao đổi, thảo luận trực diện để xác định các loại hình công nghệ phù hợp mà các doanh nghiệp của tỉnh có thể tiếp cận, đầu tư, sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Sau khi tham gia sự kiện, nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã mời các doanh nghiệp cung ứng thiết bị về tận cơ sở để nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư thiết bị, chuyển giao công nghệ tương thích nhất với tiềm lực kinh tế, chất lượng nhân lực. Hiện nay, Sở KH và CN tiếp tục triển khai các sự kiện kết nối cung cầu công nghệ cho các doanh nghiệp trong tỉnh với các nhà cung ứng công nghệ của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước có công nghệ phù hợp với trình độ công nghệ Việt Nam, tỉnh Nam Định.

Sự chủ động của doanh nghiệp và nỗ lực của tỉnh và các ngành chuyên môn trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất góp phần cải thiện chỉ tiêu trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kết quả chỉ số này trong năm 2019 được công bố vào tháng 4-2020 cho thấy: 75% doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ liên quan đến công nghệ, tăng 8,33% so với năm 2018 (tăng 10 bậc, xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố).

Thời gian tới tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tăng cường thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, ngay từ giai đoạn thu hút, xúc tiến, cấp phép đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh mới theo hướng ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Trong đó, ưu tiên các ngành: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ. Các ngành, các địa phương cũng tập trung nghiên cứu, đề xuất các cấp, ngành liên quan ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tận dụng tối đa lợi thế về độ mở của thương mại lớn để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh và thu về lợi ích cao hơn trong chuỗi giá trị và tạo thuận lợi cho phát triển ngành, khai thác có hiệu quả quá trình tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu và các cơ hội đầu tư từ các tác động của cạnh tranh thương mại, dịch COVID-19. Tập trung đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí trong sản xuất công nghiệp và thương mại./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5104/202011/thuc-day-hien-dai-hoa-cong-nghe-san-xuat-trong-doanh-nghiep-ky-2-2540735/