Thúc đẩy hỗ trợ phân phối, tiêu thụ sản phẩm
Khu vực trưng bày sản phẩm 3 tỉnh tại TP Đà Nẵng. Ảnh: CTV
Sở Công thương các tỉnh Phú Yên, Kon Tum và TP Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp của 3 địa phương bằng hình thức trực tuyến. Đây được xem là một trong những cách giúp các doanh nghiệp tiếp cận, hỗ trợ phân phối, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành.
Thêm cơ hội tìm hiểu thị trường
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương Phú Yên, với những ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện hầu hết các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có việc tiêu thụ sản phẩm sau thời gian giãn cách xã hội. Ngành Công thương luôn muốn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau và việc tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa Phú Yên, Đà Nẵng, Kon Tum cũng không ngoài dự định giúp các doanh nghiệp tiếp cận, giới thiệu, phân phối sản phẩm, từ đó có được thị trường tiêu thụ mới, phục vụ người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ kết nối giao thương trực tuyến, doanh nghiệp các tỉnh tham gia nhiệt tình, cung cấp hình ảnh, sản phẩm để trưng bày trực tiếp và giới thiệu trực tuyến. Trong đó, Phú Yên có hơn 20 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, cùng các sản phẩm đặc trưng như nước mắm, thủy sản tươi sống, trà diệp hạ châu, bò một nắng, cà phê, gạo thơm, khóm Đồng Dinh, bột ngũ cốc, hạt sen... Đà Nẵng có 26 doanh nghiệp và tỉnh Kon Tum có 14 doanh nghiệp tham gia. Đây là cơ hội để doanh nghiệp các địa phương trao đổi, chia sẻ, tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm. Ông Lê Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản VFOODFARM (phường 6, TP Tuy Hòa) cho biết: Doanh nghiệp đã và đang cung cấp cho thị trường Phú Yên và các tỉnh phía Nam các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống, đông lạnh. Lần đầu tham gia chương trình kết nối giao thương này, tôi thấy đây là điều kiện tốt để tiếp cận, tìm kiếm khách hàng mới ở Kon Tum, Đà Nẵng, là cơ hội để chúng tôi giới thiệu sản phẩm của mình với đối tác.
Dù đã phân phối nhiều mặt hàng nhưng với thực phẩm, sản phẩm đặc trưng thì Nhà phân phối Hòa Phú Farm (TP Đà Nẵng) chỉ mới tiếp cận từ đầu tháng 6/2021 và đã kết nối được với các cơ sở sản xuất của Phú Yên, Kon Tum sau khi tham gia hội nghị trực tuyến. Bà Nguyễn Thị Nhung, đại diện cơ sở này chia sẻ: Tôi muốn sản phẩm cung cấp tại Hòa Phú Farm ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại. Trong khi Đà Nẵng đa phần phục vụ khách du lịch nên tôi muốn giới thiệu với khách hàng những sản phẩm đặc trưng vùng miền. Qua tìm hiểu sơ bộ, tôi thấy sản phẩm của doanh nghiệp Phú Yên, Kon Tum có sự đầu tư về chất lượng, bao bì… Vậy nên, thông qua lần kết nối này, Hòa Phú Farm đã hợp tác tiêu thụ nhiều sản phẩm của Phú Yên và Kon Tum. Hy vọng thời gian tới, chúng tôi tiếp tục giao dịch thường xuyên, phân phối nhiều hơn sản phẩm đặc trưng của nhau, giúp người tiêu dùng có thêm sản phẩm chất lượng từ các tỉnh, thành.
Tiếp tục đồng hành
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, việc tổ chức kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Phú Yên, Đà Nẵng, Kon Tum vừa qua đạt kết quả khả quan. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối 3 địa phương đã kết nối và thực hiện được nhiều thỏa thuận hợp tác phân phối, tiêu thụ sản phẩm của nhau. Quan trọng hơn là sắp tới đây, sản phẩm, hàng hóa của Đà Nẵng được giới thiệu tại Phú Yên, Kon Tum và ngược lại. Ngành Công thương mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giữ mối liên hệ, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Sắp tới, tại TP Đà Nẵng, ngành Công thương cùng các đơn vị sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện để hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm, từ đó phát triển hệ thống bán hàng, kết nối tiêu dùng trong cả nước.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, các hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa được đánh giá mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh. Bà Phan Thị Quỳnh, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Bách Thắng (tỉnh Kon Tum) cho biết: Tôi đã đến Phú Yên nhiều lần để tìm nguồn cung ứng, tiêu thụ thịt heo. Hiện sản phẩm măng le sấy khô, heo sọc dưa một nắng của HTX đã được phân phối tại Phú Yên và các tỉnh, thành khác. Trong điều kiện không thể gặp gỡ trực tiếp, tôi mong chính quyền, ngành chức năng các tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ bằng nhiều hình thức, giúp cộng đồng doanh nghiệp ổn định, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh; góp phần làm phong phú nguồn hàng đặc trưng trên thị trường.
“Với vai trò là cầu nối cho các doanh nghiệp, Sở Công thương Phú Yên nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung sẽ cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của địa phương được tiếp cận với hệ thống phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh; qua đó hỗ trợ nhau khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Chúng tôi cũng nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, thị trường để triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đúng theo chủ trương, kế hoạch của tỉnh”, bà Nguyễn Thị Kim Bích nói.
Theo Sở Công thương Phú Yên, hàng năm, đơn vị phối hợp tổ chức 2-3 hội chợ; tổ chức kết nối giao thương doanh nghiệp các tỉnh, tham gia hoạt động triển lãm, quảng bá, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh… nhằm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiếp cận đối tác mới. Việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa; xây dựng giải pháp kết nối, bán hàng, quảng bá thương hiệu sản phẩm trực tuyến... cũng được chủ động thực hiện và cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong tỉnh.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/266738/thuc-day-ho-tro-phan-phoi-tieu-thu-san-pham.html