Thúc đẩy hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ

Sáng chế, giải pháp hữu ích là sáng tạo trí tuệ của con người, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển khoa học - kỹ thuật. Do vậy, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích được ngành khoa học và công nghệ tỉnh Bình Phước quan tâm, hướng dẫn các tập thể, cá nhân làm các thủ tục để được cấp bằng sáng chế.

Lò đốt rác thân thiện với môi trường

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước chỉ thành phố Đồng Xoài có nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt; các huyện, thị xã còn lại hầu hết là bãi rác lộ thiên, mang tính tạm thời và đang trong tình trạng quá tải. Riêng ở thị xã Bình Long, trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 20 tấn rác, tồn đọng từ năm này qua năm khác.

Ông Điểu Bê, người trông coi bãi rác ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long cho biết, bãi rác này là nơi thu gom rác của toàn thị xã Bình Long diện tích khoảng 10 ha. Trước đây, mỗi ngày có tới 10 xe chở rác vào đổ trong bãi. Nay bãi rác đầy, xe rác không đổ nữa. Rác không phân hủy được nên chất thành đống, mưa xuống mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Người dân chỉ mong có lò đốt rác để xử lý hết bãi rác này.

Ông Đoàn Quyết Tiến (bìa phải) đang hướng dẫn công nhân đưa rác vào lò đốt

Ông Đoàn Quyết Tiến (bìa phải) đang hướng dẫn công nhân đưa rác vào lò đốt

Về quê hương cuối năm 2018, sau hơn 30 năm làm việc tại các nhà máy luyện kim ở Liên Xô, ông Đoàn Quyết Tiến, ngụ ấp Bình Tây, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long đã đem theo toàn bộ công trình nghiên cứu “Công nghệ lò đốt rác thải thân thiện với môi trường” về nước. Ông với mong muốn lò đốt này được đưa vào ứng dụng, giúp địa phương xử lý nguồn rác thải, không gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn năng lượng điện cho người dân sử dụng.

Tháng 4-2020, được sự cho phép của UBND thị xã Bình Long, ông Đoàn Quyết Tiến đã chi gần 3 tỷ đồng xây dựng lò đốt rác thải thân thiện với môi trường tại bãi rác ở xã Thanh Lương, với công suất thiết kế 8 tấn/ngày. Quy trình đốt rác được thực hiện bằng phương pháp sử dụng củi khô hoặc lá cây đốt trong vòng 60 phút cho nóng lò, sau đó đổ nguyên liệu vào đốt. Với nhiệt độ đốt của lò đạt khoảng 1.500-2.000oC, lò đốt rác do ông Tiến chế tạo có thể hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm và đốt tất cả loại rác có độ ẩm cao mà không cần phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, rác đưa vào lò được đốt cháy hoàn toàn và không gây mùi hay khói bụi ra môi trường. Ông Tiến nhẩm tính, bình quân 1 xe rác 7 tấn sau khi đốt sẽ thải ra khoảng 70kg tro. Tro có thể tận dụng làm phân bón cho nông nghiệp rất hữu ích.

Theo kết quả lấy mẫu phân tích của Công ty TNHH khoa học công nghệ và phân tích môi trường Phương Nam, TP. Hồ Chí Minh, khí phát thải từ lò đốt rác đảm bảo các chỉ tiêu, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Điều đặc biệt nhất từ lò đốt rác của ông Tiến mang lại chính là khả năng tạo ra nguồn năng lượng điện có thể hòa vào lưới điện quốc gia. Dựa vào công suất hiện tại của lò đốt nhà ông Tiến đang sử dụng, nếu đốt với lượng rác 8 tấn/ngày và liên tục 24/24 giờ thì sẽ tạo ra nguồn điện 200kW/giờ.

Ông Tiến đang tiến hành làm thủ tục gửi các ngành chức năng đăng ký bản quyền sáng chế. Ông Tiến cũng mong được sự quan tâm của Nhà nước và các nhà khoa học để có thể biến giấc mơ xử lý rác thải thành hiện thực, bởi sáng chế này rất có lợi cho môi trường.

Thiết bị hữu dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, gia đình ông Nguyễn Hữu Năm ở thôn 3, xã Long Tân, huyện Phú Riềng có 33 ha cây công nghiệp và cây ăn trái. Diện tích nhiều nên việc chăm sóc, phòng bệnh cho cây chiếm khá nhiều thời gian, công sức của gia đình. Với bản tính cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Năm đã chế tạo ra nhiều máy móc, thiết bị hữu dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công lao động, tăng hiệu quả làm việc, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.

Ông Năm cho biết, máy phun thuốc, bón phân cho cây trồng đã được ông mày mò sáng tạo từ năm 2012. Có máy phun thuốc tự động, chi phí sản xuất giảm rất nhiều. Nếu như trước đây, để xịt thuốc cho 8 ha sầu riêng, ông phải thuê 16 công lao động và xịt trong 8 ngày nhưng nay dùng máy ông chỉ cần 1 công xịt trong 8 tiếng đồng hồ cho toàn bộ diện tích. Công lao động giảm, lượng thuốc cũng giảm khoảng 35% lại an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Máy phun thuốc tự động do ông Năm tự chế có thể phun được độ cao 30m theo kiểu phun sương, thuốc được phun đều len lỏi trong các tầng lá và hoa sầu riêng. Ngoài ra, máy còn phun được cho nhiều loại cây trồng như điều, cao su, cây ăn trái. Chi phí cho một cái máy và xe chở thiết bị hết khoảng 180 triệu đồng. Ông đang được Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn làm thủ tục đăng ký bản quyền sáng chế.

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu với thế giới và hướng đến nền kinh tế tri thức thì việc bảo hộ tài sản trí tuệ, bảo hộ sáng chế độc quyền là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động bảo hộ đòi hỏi phải có sự đầu tư trí tuệ, tài chính. Do vậy, các đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao nhận thức về sáng chế, giải pháp hữu ích và sở hữu trí tuệ; cần có sự đầu tư thích đáng cho công việc bảo hộ sáng chế để mang lại lợi ích bền vững. Bảo hộ sáng chế chính là bảo hộ khối tài sản lớn của mình.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/121636/thuc-day-hoat-dong-dang-ky-so-huu-tri-tue