Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Belarus
Trải qua nhiều thập kỷ, quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Belarus luôn được Chính phủ và nhân dân hai nước vun đắp và phát triển.
Nhận lời mời của Chủ tịch Viện Đại biểu Belarus Vladimir Andreichenko, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Belarus từ ngày 12 - 14.12.
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, trải qua nhiều thập kỷ, quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Belarus luôn được Chính phủ và nhân dân hai nước vun đắp và phát triển.
Đất nước Belarus xinh đẹp
Là quốc gia xinh đẹp ở khu vực Đông Âu, Belarus nổi tiếng với những di sản thế giới, những con đường thơ mộng băng qua các cánh đồng hoa bắp, những cánh rừng già và những ngôi làng đẹp như tranh vẽ.
Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp, đất nước Belarus bình yên và thơ mộng còn là nơi sở hữu nhiều di sản thế giới, trong đó phải kể đến quần thể lâu đài Mirsky, lâu đài Nesvizh, vòng cung trắc đạc Struve và Vườn quốc gia Belovezhskaya Pushcha. Xen lẫn vẻ đẹp đó còn là cuộc sống hiện đại cùng sự thân thiện, cởi mở của người dân nơi đây.
Tọa lạc ngay giữa trung tâm của Belarus, thủ đô Minsk trải dọc theo con sông Svislach hiền hòa, đây là thành phố lớn nhất và là trung tâm chính trị, công nghiệp, khoa học và văn hóa đất nước này. Nơi đây có nhiều công trình nổi tiếng, như tòa nhà Quốc hội, các bảo tàng nghệ thuật và lịch sử, Thư viện quốc gia Belarus… Và nơi có nhiều kiến trúc hoa mỹ nhất của thủ đô Minsk là khu ngoại ô Troitskoye Predmestyle. Tại đây còn lưu giữa và tồn tại nhiều công trình nghệ thuật đồ sộ có tuổi đời hàng trăm năm, như nhà thờ lớn của Tâm hồn thần thánh, nhà thờ Thánh Peter và Paul...
Về kinh tế, sau khi độc lập tách khỏi Liên bang Xô Viết, Belarus chủ trương cải cách ôn hòa, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Công nghiệp chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, với các ngành công nghiệp chính là các nhà sản xuất cơ khí, các doanh nghiệp hóa chất hàng đầu, các công ty công nghệ thông tin và các nhà sản xuất quần áo, giày dép và chế biến thực phẩm. Nông nghiệp Belarus chủ yếu phát triển chăn nuôi và sản xuất ngũ cốc. Mặc dù đất đai rộng lớn nhưng do vẫn chưa được đầu tư nhiều về công nghệ nên ngành nông nghiệp nước này chưa thực sự phát triển mạnh.
Giai đoạn từ năm 1996-2011, nền kinh tế Belarus tăng trưởng liên tiếp với mức tăng bình quân trên 6%/năm. Cuối năm 2011, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Belarus bắt đầu suy giảm mạnh.
Năm 2015, Chính phủ nước này đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Belarus cho giai đoạn đến năm 2030. Nhằm bảo đảm mức sống cao và tạo môi trường cho sự phát triển nhân cách hài hòa, chiến lược bao hàm sự chuyển đổi sang nền kinh tế hiệu quả cao dựa trên kiến thức và đổi mới, đồng thời duy trì một môi trường thuận lợi cho các thế hệ tương lai. Với những cải cách tích cực đó, nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi và đã đạt mức tăng trưởng khoảng 2,2% năm 2017 và khoảng 3,5% năm 2018.
Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Belarus
Ngày 24.1.1992, Việt Nam và Belarus chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Belarus không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua.
- Quan hệ chính trị: đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống
Belarus coi hợp tác với Việt Nam là một trong những hướng ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Belarus tại châu Á và hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Belarus đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, đất nước với vị thế không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Trong những năm gần đây, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã tạo nên một xung lực mới trong phát triển quan hệ song phương. Bên cạnh đó, hai bên cũng duy trì phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên hiệp quốc và Phong trào Không liên kết, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia của mỗi nước, cùng nhau phấn đấu vì một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
- Hợp tác kinh tế còn khiêm tốn
Quan hệ chính trị tốt đẹp đã tạo động lực cho quan hệ kinh tế phát triển. Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống của Belarus tại Đông-Nam Á. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của hai nền kinh tế đang phát triển năng động.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Belarus đạt 88,4 triệu USD; trong nửa đầu năm 2019, trị giá xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Belarus đạt 2,4 triệu USD; nhập khẩu từ Belarus đạt 38,7 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, điện thoại và linh kiện và hàng điện tử; Việt Nam nhập siêu, chủ yếu là phân bón các loại, máy móc, thiết bị.
Hai bên đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD trong thời gian tới, đồng thời nghiên cứu mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp mà hai nước có tiềm năng lớn.
- Hợp tác trên các lĩnh vực khác
Hợp tác lao động là hướng hợp tác triển vọng giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty xây dựng của Belarus đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại công trình xây dựng khu thể thao giải trí tại Thủ đô Minsk.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa các địa phương hai nước được tích cực thúc đẩy, hai bên đã ký các văn kiện hợp tác giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh với Minsk… Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng-an ninh, y tế, văn hóa-thông tin, thể thao-du lịch.
Cộng đồng người Việt Nam ở Belarus có khoảng 1.500 người, được chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi trong học tập, kinh doanh và cư trú ổn định, lâu dài theo pháp luật Belarus.
- Tăng cường hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Thủ tướng Cộng hòa Belarus I. Lyashenko (tháng 9.2019), hai bên đã thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm đưa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư phát triển hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của mỗi nước. Trước hết là phối hợp triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu và Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam nhằm tạo bước đột phá trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện tốt Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Belarus trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa; tiếp tục triển khai hiệu quả hợp tác quốc phòng-an ninh; tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương hai nước phát triển hợp tác cùng có lợi; mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao.
Tình hữu nghị truyền thống cũng như tiềm năng, lợi thế hợp tác giữa Việt Nam và Belarus sẽ là cơ sở, nền tảng đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn nữa trong tương lai.