Thúc đẩy hợp tác ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc
Chiều 10-10, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 ở thủ đô Vientiane - Lào,
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc) lần thứ 27.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc diễn ra sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN với các đối tác, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Trung Quốc hơn bao giờ hết cần nâng cao tự cường, thúc đẩy gắn bó và kết nối chặt chẽ, toàn diện, bao trùm. Theo đó, cần đẩy mạnh kết nối chiến lược, nhất là hạ tầng chiến lược, hạ tầng giao thông; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kết nối giao thương thông suốt, kết nối chặt chẽ hơn với Sáng kiến "Vành đai và Con đường"; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nhất là kết nối mềm về hải quan thông minh, đồng thời tận dụng tốt những thành tựu khoa học - công nghệ, đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.
Nhấn mạnh cần thúc đẩy tầm nhìn hòa bình và an ninh, chung vai gánh vác trách nhiệm đối với hòa bình, gìn giữ môi trường hòa bình để hợp tác và phát triển, Thủ tướng mong ASEAN - Trung Quốc sẽ kết nối lập trường, quan điểm, củng cố, tăng cường tin cậy chính trị hơn nữa; phối hợp chặt chẽ, đóng góp tích cực, trách nhiệm đối với hòa bình, an ninh và ổn định; tăng cường đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp tại khu vực, trong đó có biển Đông, đưa biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, lâu dài.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị 3 định hướng triển khai quan hệ ASEAN - Hàn Quốc tương xứng với tầm mức mới. Thứ nhất, đóng góp trách nhiệm hơn cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ hơn hợp tác kinh tế, trọng tâm là kết nối các nền kinh tế, hợp tác văn hóa, du lịch và giáo dục - đào tạo. Thứ ba, hành động quyết liệt hơn để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, toàn diện và phát triển bền vững, nhất là đối với các động lực tăng trưởng mới.