Thúc đẩy hợp tác địa phương giữa Việt Nam và Nhật Bản

Ngày 5/8, tại Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cùng lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các sở, ngành tiếp và làm việc với Đoàn công tác tỉnh Niigata (Nhật Bản), do ông Hanazumi - Thống đốc tỉnh Niigata làm Trưởng đoàn.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Trên nền tảng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản, hai bên bàn thảo thúc đẩy hợp tác địa phương đa lĩnh vực, trong đó ưu tiên công nghiệp chế tạo và công nghiệp chế biến.

Thông tin đến Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với lợi thế là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương, Cần Thơ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ở cấp độ liên kết vùng. Do đó, tỉnh Niigata khi kết nối với Cần Thơ sẽ tạo nên các dự án, chương trình quy mô lớn.

Ngoài ra, theo tinh thần Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, địa phương đang mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thành phố kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu và đầu tư vào công nghiệp chế tạo và công nghiệp chế biến.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị Thống đốc tỉnh Niigata làm cầu nối mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện các dự án sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và Thống đốc tỉnh Niigata Hanazumi trao quà lưu niệm.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và Thống đốc tỉnh Niigata Hanazumi trao quà lưu niệm.

Sản xuất công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh, logistics; các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ… cũng đang là những lĩnh vực được Cần Thơ ưu tiên phát triển và mời gọi đầu tư.

Về phía Nhật Bản, Thống đốc Hanazumi bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp giữa Việt Nam – Nhật Bản ở cấp độ quốc gia cũng như cấp độ các địa phương. Thống kê sơ bộ cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư tăng hàng năm. Cũng như công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại tỉnh Niigata nói riêng, Nhật Bản nói chung ngày càng nhiều. Lao động người Việt Nam tại Nhật Bản hiện tập trung phần lớn trong ngành chế biến thực phẩm và điều dưỡng, được đánh giá cao về tay nghề cũng như thái độ làm việc tận tụy, chăm chỉ.

Được biết, hiện có ba địa phương của Nhật Bản là: tỉnh Hyogo, thành phố Okayama và thành phố Nasushiobara (thuộc tỉnh Tochigi) đã thiết lập quan hệ hợp tác với Cần Thơ. Ngoài ra, tại Cần Thơ, với sự hỗ trợ của Chính quyền thành phố, Văn phòng Japan Desk đã được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả từ năm 2017. Đây là những cơ sở nền tảng vững chắc để mở rộng hợp tác giữa Nhật Bản và Cần Thơ trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang và có kế hoạch thực hiện đầu tư kinh doanh tại thành phố Cần Thơ sẽ được cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, dự án, lĩnh vực mà Cần Thơ mong muốn một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ, hiện có 8 dự án FDI từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.349,31 triệu USD, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất chế biến, công nghệ thông tin, sản xuất điện... Sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Cần Thơ sang Nhật Bản là 80,72 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến, thép và các sản phẩm từ thép, dược phẩm, hóa chất, lông vũ và một số mặt hàng khác (vật tư nguyên liệu). Kim ngạch nhập khẩu là 25,45 triệu USD với các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, vải và một số mặt hàng khác (da, vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị, thép...).

Tin, ảnh: Ánh Tuyết (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/thuc-day-hop-tac-dia-phuong-giua-viet-nam-va-nhat-ban-20240805203153584.htm