Thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp Việt Nam-Pháp

Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12, sự kiện Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp đã kết nối chính quyền các thành phố và các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước. Các bên đều bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, kết nối, hỗ trợ thông tin để hợp tác đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Đại diện chính quyền thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) ký kết hợp tác.

Đại diện chính quyền thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) ký kết hợp tác.

Mới đây, gần 500 đại biểu đại diện cho chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội, đã gặp gỡ, trao đổi với đại diện chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp các địa phương của Pháp về tiềm năng đầu tư, kinh doanh, hợp tác phát triển trong tương lai.

Pháp là đất nước có nhiều thế mạnh về công nghiệp dịch vụ, sản xuất ô-tô, đường sắt, hàng không, vũ trụ, sản xuất mỹ phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, giáo dục, y tế... mà phía doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi, hợp tác. Phó Chủ tịch Cấp cao, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Công nghệ CMC (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Tập đoàn đã và đang cung cấp các dịch vụ số tại Pháp và thị trường châu Âu.

Năm 2009, tập đoàn đã thành lập Công ty CMC Blue France tại Pháp, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin cho doanh nghiệp. Hiện, tập đoàn đang cung cấp dịch vụ cho các khách hàng lớn tại châu Âu như: Bosh, Mercedez Benz, Merck, Vestaire, Worldline, Capgemini...

“Trong chiến lược toàn cầu hóa, chúng tôi luôn coi Pháp và các nước châu Âu là một trong những thị trường chiến lược để phát triển kinh doanh và hợp tác quốc tế. Thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Pháp lần này, chúng tôi mong muốn có cơ hội gặp gỡ, kết nối, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp Pháp để tiếp tục thúc đẩy hoạt động phát triển của tập đoàn.

Hy vọng rằng Chính phủ và các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư của hai bên sẽ tạo nhiều điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp có thể phát triển và hợp tác sâu rộng hơn” - đại diện Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết thêm.

Cũng bày tỏ mong muốn trao đổi hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc đối tác - Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Anne de Soucy cho biết, AFD đang tài trợ bốn dự án tại Việt Nam, trong đó có ba dự án tại Hà Nội là xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 Hà Nội, bảo tồn và phát huy giá trị tại Hoàng thành Thăng Long và dự án kiểm soát không khí.

Đây là các dự án có tác động trực tiếp đến người dân, nổi bật là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị. “Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, chúng tôi còn giúp các địa phương của Việt Nam tuyển dụng các chuyên gia đầu ngành, đồng thời là cầu nối thúc đẩy trao đổi giữa hai nước. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và trao đổi hợp tác với các địa phương của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực” - đại diện AFD nhấn mạnh.

Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng với Pháp đã có nền tảng khá vững chắc. Từ năm 1989 tới nay, thành phố Hà Nội đã thu hút 494,4 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) từ Pháp. Trong đó, năm 2022 thu hút khoảng 7,8 triệu USD vốn FDI; trong ba tháng đầu năm 2023 thu hút thêm 0,92 triệu USD.

Trên địa bàn Hà Nội có nhiều dự án lớn của Pháp đang hoạt động như Dự án Cửa hàng bán lẻ của Công ty TNHH Louis Vuitton Việt Nam; dự án Schneider Electric IT Việt Nam; dự án Công ty TNHH L’OREAL Việt Nam; dự án Christian Dior Việt Nam... hoặc những cái tên quen thuộc như dự án khách sạn Metropole, Bệnh viện hữu nghị Việt - Pháp...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, những thành tựu này được tích lũy, củng cố không ngừng trên nền móng hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp từ năm 1989, với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France. Hai nước đều là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như tham gia Hiệp định FTA Việt Nam-EU (EVFTA).

Do đó, thông qua Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp, các bên tiếp tục có cơ hội để trao đổi ý tưởng, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ “hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy”; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các giao lưu, hợp tác giữa các đối tác mới của các địa phương Việt Nam và Pháp.

Trong thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội khuyến khích và ưu tiên các dự án có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm gắn với hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tài chính-ngân hàng, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hạ tầng, y tế, dược phẩm và môi trường...

Thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Pháp nói riêng trong quá trình tìm hiểu tiềm năng, cơ hội đầu tư kinh doanh tại Hà Nội.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery đánh giá, hai bên đã có dịp gặp gỡ các địa phương Việt Nam và Pháp để phối hợp tìm ra các cơ hội hợp tác về đô thị thông minh, di sản, du lịch... trong tương lai. Năm 2023, Pháp tiếp tục mong muốn thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam. Trong đó, các sự kiện xúc tiến như Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam-Pháp sẽ đóng góp vào chân kiềng văn hóa-chính trị-kinh tế liên kết với nhau một cách chặt chẽ giữa hai bên.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thuc-day-hop-tac-doanh-nghiep-viet-nam-phap-post748252.html